Viên cảnh sát Mohamad Shapie Saleh có nhiệm vụ tìm vị khách đi xe của tài xế nhiễm Covid-19. Tất cả những gì anh có là một bức ảnh nhòe.
Thông qua một đội cảnh sát khác, Shapie biết thêm vị hành khách bí ẩn kia đã xuống xe tại đường Chai Chee. Nhiệm vụ trở nên quá khó khăn.
Shapie đã dành khoảng bốn tiếng đồng hồ xem các cảnh quay từ 40 camera an ninh (CCTV) của năm khu nhà để tìm xem hành khách kia đã đi đâu. “Chúng tôi cần rèn luyện tính kiên nhẫn và sự tập trung”, Shapie nói, cho biết thêm anh phải xem xét từng chi tiết trong đoạn băng.
Công việc của Shapie chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi hoạt động hỗ trợ Bộ Y tế Singapore truy tìm những người nghi nhiễm Covid-19. Khoảng 30-50 sĩ quan cảnh sát được giao nhiệm vụ giống Shapie, nhưng trong một số trường hợp có thể lên tới 100 người.
Mohamad Shapie Saleh (trái) và Loh Seng Hong tái hiện cuộc phỏng vấn ngoài thực địa để truy tìm người nhiễm Covid-19. Ảnh |
Nhiệm vụ truy tìm trên ban đầu do nhân viên Bộ Y tế Singapore đảm nhận. Họ sẽ tiến hành phỏng vấn sâu với người được xác định nhiễm Covid-19 đồng thời khoanh vùng những cá nhân đã tiếp xúc gần với họ trong 24 tiếng.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, cảnh sát được huy động để điều tra sâu hơn về nơi ở và hoạt động của các bệnh nhân. Họ cũng giúp đỡ khi nhân viên Bộ Y tế không thể xác định danh tính, địa chỉ của người nghi nhiễm đồng thời phân tích dữ liệu để tìm mối liên kết giữa các ca bệnh.
Lian Ghim Hua, phó giám đốc Cục điều tra hình sự (CID) cho biết, thách thức lớn nhất của cảnh sát là phải nhanh chóng định vị những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, các sĩ quan phải vừa kiên nhẫn vừa khéo léo khi hỏi chuyện bởi không phải ai cũng nhớ chính xác mọi hoạt động của mình trong vòng hai tuần qua.
“Shapie mất rất nhiều công sức mới tìm ra một hành khách trên xe taxi. Bạn hãy tưởng tượng xem một đêm tài xế đó có thể chở bao nhiêu người”, Lian nói.
Các sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ truy tìm người nhiễm Covid-19 được chia làm bốn đội: Đội chỉ huy điều phối hoạt động, đội phỏng vấn nói chuyện với bệnh nhân Covid-19 và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, đội phân tích xem xét dữ liệu và đội thực địa truy tìm những người có thể đã tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Nhiệm vụ chính của đội phỏng vấn là lập bản đồ hoạt động của bệnh nhân, xem bệnh nhân đã làm gì và tương tác với ai từ 14 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến lúc họ được cách ly.
Công việc không hề dễ dàng. Như những thành viên khác trong đội phỏng vấn, Johnny Lim gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân qua điện thoại rằng anh đang làm nhiệm vụ. Nhiều người không biết đây là nhiệm vụ của cảnh sát, thậm chí lo lắng rằng mình bị lừa.
“Những sự cố như thế khiến chúng tôi bị chậm lại nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng thuyết phục người dân hết sức có thể”, Lim chia sẻ. Anh cho biết những đối tượng nghi nhiễm bệnh sẽ được chuyển sang đường dây nóng của CID và xác nhận lại thông tin.
Khi có thể, Lim tới bệnh viện để trực tiếp gặp bệnh nhân. Do phải liên tục trả lời các câu hỏi, một số người trở nên kích động.
“Họ phải kể một câu chuyện nhiều lần với nhiều người khác nhau nên đến lúc gặp tôi, họ có thể sẽ cáu gắt”, Lim nói. “Dù vậy, sau khi nghe chúng tôi giải thích mục đích công việc, họ thông cảm ngay”.
Hoàn thành phỏng vấn, thông tin được chuyển tới đội phân tích. Từ những dữ liệu đã có, đội này đưa ra các giả thuyết khác nhau về nguồn nhiễm bệnh và kiểm tra từng giả thuyết.
“Càng thu thập nhiều thông tin, giả thuyết lại càng thay đổi hoặc thậm chí phải bỏ đi. Đôi khi chúng tôi phải quay lại từ đầu để xem mình có bỏ lỡ điều gì hay không”, He Minghui thuộc nhóm phân tích cho biết.
Theo He, công việc phân tích còn khó khăn bởi “căn bệnh giống như một vụ án vô hình”. “Chúng tôi không biết nó xảy ra ở đâu, khi nào”, nữ cảnh sát nói.
Nhóm thực địa sử dụng các phương pháp điều tra để truy tìm những người có thể đã tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 thông qua băng ghi hình máy quay và hỏi chuyện người dân.
Trung sĩ Loh Seng Hong thuộc Trung tâm Cảnh sát Orchard phải tìm hai người ngồi gần “bệnh nhân 48” trong một rạp chiếu phim. Sau khi kiểm tra camera, nhân viên rạp chiếu phim tin mình đã tìm ra danh tính hai người này và đưa thông tin cho cảnh sát. Tuy nhiên, lúc tự mình xem lại băng ghi hình, Loh nhận ra nhân viên rạp chiếu phim đã nhầm vì thời gian trong đoạn phim nhanh hơn 5 phút so với thời gian thật.
Loh phải xem toàn bộ băng ghi hình để tìm ra hai vị khách kia và phát hiện họ đi tới trung tâm mua sắm sau khi xem phim. Nhờ thông tin do Loh cung cấp, một đội thực địa khác cuối cùng tìm được hai người này.
“Chúng tôi phải xem rất nhiều băng ghi hình mỗi ngày nên đã hình thành các kỹ năng”, trung sĩ Loh chia sẻ. Anh tiết lộ thêm cảnh sát còn sử dụng phương pháp nhận diện qua dáng đi.
Ông Lian cho biết do dịch bệnh, các sĩ quan cảnh sát phải làm việc thêm giờ nhưng ai cũng hiểu tầm quan trọng của nhiệm vụ. “Mọi người đều sẵn sàng đóng góp công sức”, ông nói.
Minh Trang
Theo Vnexpress