Phương án “đi chợ hộ” đang quá tải tại nhiều quận, huyện của TP.HCM. Người dân lo lắng khi chờ nhiều ngày chưa được giao hàng trong khi thực phẩm dự trữ dần hết.
Sau khi nghe tin TP.HCM cho phép shipper hoạt động trở lại, chị Thúy (quận Bình Thạnh) liền lên mạng tìm người giao thực phẩm nhưng không có tài xế nào nhận.
“Tôi mở ứng dụng Grab cũng chưa thể sử dụng được dịch vụ đi chợ hộ. Trong khi nhà hết sạch thực phẩm, đặt hàng đi chợ từ phường chưa nhận được, phải ăn mì gói 2 ngày nay”, chị nói.
Shipper đã được hoạt động từ sáng 30/8 nhưng nhiều người dân vẫn chưa thể đặt hàng hay sử dụng dịch vụ đi chợ hộ trên các ứng dụng xe công nghệ.
Mòn mỏi chờ “đi chợ hộ”
Chị Trâm (phường An Phú, TP Thủ Đức) đặt hàng theo combo đi chợ hộ từ ngày 25/8 và đã chuyển khoản nhưng đến nay chị vẫn chưa nhận được thực phẩm từ phường. “Mấy ngày hôm nay mỗi bữa ăn phải tính toán cẩn thận xem hôm nay ăn gì, lượng đồ ăn còn sót lại. Bình thường tôi ăn 2-3 quả trứng, nay cũng chỉ dám ăn 1 quả”, chị nói.
Theo chị, việc TP.HCM cho phép đội ngũ shipper giao hàng “đi chợ hộ” là một việc làm rất kịp thời để giải quyết nhanh việc giao nhận hàng hóa thiết yếu đến tay người dân. “Nhiều gia đình 5-6 người, có người già lẫn trẻ em đều rất vất vả. Chưa kể mua hàng theo combo là 8 món chỉ nhận được 2-3 món”, chị kể.
Nhiều người có điều kiện kinh tế cũng vất vả với việc “đi chợ” trong thời điểm này. “Có tiền cũng không mua được thực phẩm. Đặt hàng 5 ngày nhưng bây giờ phía phường lại báo hủy vì quá tải”, chị Vân ở quận Bình Thạnh bức xúc.
Trong sáng 30/8, chị Linh (phường 28, quận Bình Thạnh) thử lên mạng đặt hàng online qua các ứng dụng như Grab, Shoppefood nhưng vẫn không được.
Tương tự, nhiều người chờ đợi việc đi chợ hộ quá lâu vẫn chưa thấy thông báo nên đã tìm các hội nhóm online trên mạng xã hội rao mua thực phẩm. “Cả nhà cho em hỏi cách nào mua lương thực, thực phẩm không ạ, em ở đường Ung Văn Khiêm. Thật sự nhà em không còn gì nữa mà làm đủ mọi cách rồi cũng không được”, chị Lan (phường 25, quận Bình Thạnh) đăng trên trang một hội nhóm cư dân.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh – đơn vị phụ trách chương trình “đi chợ hộ” của quận, cho biết hiện nay đơn hàng của người dân rất nhiều trong khi các đơn vị cung ứng bị thiếu nhân lực trầm trọng khiến việc sắp xếp, chuẩn bị hàng hóa mất rất nhiều thời gian.
Lực lượng của các phường cũng hỗ trợ nhân lực vào siêu thị hỗ trợ nhưng có tình trạng các phường vào siêu thị chuẩn bị hàng hóa rất đông nên siêu thị yêu cầu giảm lượng người vào soạn hàng. Do đó, có tình trạng giao đơn chậm.
Hiện các đơn vị giao hàng của phường đã nỗ lực giao đến 22h đêm nhưng có tình trạng gọi cửa người dân không mở. Thường trực UBND quận đã bổ sung thêm đoàn viên, bộ đội hỗ trợ đưa hàng kịp thời đến người dân.
“Quận Bình Thạnh mỗi ngày có đến hơn 7.000 đơn hàng với số tiền hơn 3 tỷ đồng khiến số lượng người phục vụ của các phường không đáp ứng kịp. Thậm chí các buổi chiều những ngày gần đây, họ vẫn đội mưa giao đơn hàng đến người dân”, bà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức, cho biết cũng đang gặp quá tải đơn hàng. Việc triển khai đồng loạt nên siêu thị chuẩn bị hàng không kịp cho các phường nên 2-3 ngày sau người dân mới có thể nhận được.
“Đoàn phường An Phú đã gấp rút hối thúc phía nhà cung cấp nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân”, đại diện phường An Phú, TP Thủ Đức thông báo.
Vị này cũng thừa nhận tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng căng thẳng, trong khi nguồn nhân lực của chương trình và nhận lực của siêu thị bị thiếu hụt.
Thêm nhiều kênh giảm quá tải “đi chợ hộ”
Ngày 30/8, ghi nhận trong ngày đầu TP.HCM cho phép shipper hoạt động lại tại các quận, huyện vùng đỏ, đại diện Saigon Co.op cho biết shipper hoạt động lại thưa thớt. Trong khi đó, nguồn phân phối hàng chủ yếu vẫn là các đầu mối mua chung nên tổng quan chưa có biến động nhiều.
“Tuy nhiên ghi nhận của siêu thị số lượng đầu mối mua chung, mua hộ có tăng nhẹ so với 3 ngày trước, số lượng nhân viên siêu thị được tạo điều kiện đi làm có tăng. Điều này từng bước giải quyết những thiếu hụt nhân sự trầm trọng trong những ngày qua”, đại diện siêu thị cho hay.
Để góp phần tăng cường hoạt động cung ứng hàng hóa cho thành phố, từ ngày 29/8, Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng đã cho ra mắt 63 trang website “đi chợ hộ” tại 63 tỉnh, thành toàn quốc. Đến nay, dịch vụ “đi chợ hộ” đã được triển khai đồng loạt ở 61 tỉnh thành.
Riêng tại TP.HCM và Đà Nẵng là 2 thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội siết chặt, Viettel Post và trang thương mại điện tử Voso đã chuẩn bị đủ nguồn lực sẵn sàng kích hoạt dịch vụ ngay khi được các cơ quan chính quyền chấp thuận.
Ngoài ra, hiện nay Sở Công Thương TP.HCM cũng phối hợp với doanh nghiệp Grove Fresh đẩy mạnh triển khai chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động”.
Theo đó, các “siêu thị mini di động” trên xe bus có thể chở hàng trăm kg rau củ tới những khu vực phong tỏa, khu cư dân có mật độ dân số đông… để kịp thời phục vụ nhu cầu của bà con. Đồng thời từ 24/8, đơn vị này cũng triển khai cửa hàng hoạt động theo mô hình tự động, không tiếp xúc giữa người mua và người bán tại các quận, huyện TP.HCM.
Ngày 29/8, UBND TP.HCM cũng có văn bản đồng ý cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, TP Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 30/8.
Đồng thời, giao Công an TP cấp bổ sung cho Sở Công Thương khoảng 20.000 giấy đi đường của các nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm các lực lượng chuẩn bị đơn hàng và thực hiện các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.
Trước đó, ngày 28/8, Grab cũng triển khai phương án “đi chợ hộ” tại TP Thủ Đức. Nhiều người dân trên địa bàn TP Thủ Đức đã có thể đặt các combo nhu yếu phẩm trên nền tảng Grab và thời gian giao hàng sẽ là trong vòng 2 ngày.
Theo Thanh Thương/Zing.vn – 30/8/2021