Các chuyên gia cho rằng đề xuất của Sở Y tế TP HCM cấp “thẻ xanh Covid” cho người đã tiêm một mũi vaccine ít nhất sau hai tuần “là hợp lý”.
Lý giải về đề xuất chiều 18/9 gửi Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thẻ xanh Covid-19 là công cụ xác nhận người có thẻ đã an toàn (có miễn dịch) với Covid-19. “Người tiêm một mũi vaccine có nguy cơ nhiễm thấp, nguy cơ bệnh nặng thấp nên đã đủ bảo vệ”, ông Châu nói với VnExpress, sáng 19/9.
Theo ông Châu, đề xuất này dựa trên nhiều nghiên cứu về mức độ sinh kháng thể, mức độ bảo vệ sau 2 tuần và 4 tuần tiêm một mũi vaccine Covid-19, theo các nghiên cứu trên thế giới cũng như của nhóm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP HCM, trên người Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu này đang chờ duyệt đăng trên tạp chí quốc tế.
“Đề xuất này được Sở Y tế TP HCM dựa vào cả cơ sở khoa học và thực tế hoàn cảnh, cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích”, ông Châu chia sẻ. Ngoài ra, theo đề xuất này, điều kiện thứ hai để có “thẻ xanh Covid” là người mắc Covid-19 hoàn thành cách ly.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh TP HCM đã bao phủ vaccine với tỷ lệ cao như hiện nay, những người đã tiêm một mũi vaccine được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng ba yếu tố để thấy cộng đồng có miễn dịch mạnh là tỷ lệ cao được tiêm một mũi vaccine (trên 70%), tỷ lệ chích hai mũi trên 30%, số người mắc bệnh và được điều trị khỏi cao. Ngoài ra, khi 70% nhóm nguy cơ cao được chích đủ hai mũi vaccine là miễn dịch cộng đồng càng cao.
“Tỷ lệ tiêm một mũi của TP HCM rất cao nên cấp thẻ xanh cho những người này là rất hợp lý, để người dân còn ra đường lo kinh tế”, bác sĩ Khanh nói. Ông cũng cho rằng những người tiêm một mũi đủ 14 ngày sống cùng với nhau, sống với người đã tiêm hai mũi và lượng lớn F0 đã khỏi bệnh, sẽ được bảo vệ tốt.
Ủng hộ đề xuất của TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho rằng người tiêm vaccine mũi một sau hai tuần đã có miễn dịch để bảo vệ và kéo dài từ ba đến 4 tháng. Do đó, trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, vaccine còn ít thì chủ trương phủ rộng mũi một để nhiều người tiêm là phù hợp. Nhờ đó, người dân có miễn dịch để bảo vệ mình vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nếu mắc thì nguy cơ trở nặng và tử vong thấp hơn.
“Việc áp dụng thẻ xanh tại TP HCM đối với người tiêm mũi một là hiệu quả do giãn cách kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và kinh tế”, bác sĩ Hà chia sẻ. Khi đó, người dân tiện lợi hơn khi ra ngoài, phục vụ nhu cầu cấp bách như đi chợ, đi làm… tạo tâm lý thoải mái hơn.
Tuy nhiên, “miễn dịch tạo ra sau tiêm liều thứ nhất không bằng người tiêm hai mũi, vẫn có thể mắc bệnh”, bác sĩ Hà nói. Ông khuyến cáo người tiêm một mũi, được cấp thẻ xanh khi đi sang các tỉnh lân cận vẫn cần giám sát chặt và tuân thủ 5K. Nếu có vaccine thì cần nhanh chóng tiêm tiếp liều hai để tăng cường miễn dịch mạnh mẽ, duy trì độ bền vững và kéo dài thời gian bảo vệ.
Nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh đối với nhóm trên 70 tuổi, người dễ tổn thương vì Covid-19, chỉ ra rằng một liều vaccine vẫn có hiệu quả phòng bệnh cao. Theo đó, khả năng phòng Covid-19 sau chích ngừa một mũi Pfizer là 61%, đạt mức cao nhất vào ngày thứ 28 đến 34 (sau tiêm) và giảm dần sau đó. Đối với vaccine AstraZeneca, từ 35 ngày trở đi sau tiêm một liều vaccine hiệu quả 73%.
Tại Anh, nghiên cứu cho thấy ở người mắc Covid-19, tiêm một liều vaccine Pfizer giảm 43% nguy cơ nhập viện cấp cứu, giảm 51% nguy cơ tử vong. Tiêm một liều vaccine AstraZeneca giảm 37% nguy cơ nhập viện. Vaccine Moderna, sau tối thiểu 14 ngày tiêm một liều, hiệu quả chống Covid-19 có triệu chứng là 72% với biến thể Delta; 83% với biến thể Alpha; giảm nguy cơ nhập viện, tử vong 96%.
Hầu hết loại vaccine Covid-19 hiện nay sử dụng phác đồ hai liều tiêm, các liều cách nhau vài tuần, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ví dụ, vaccine Pfizer hai liều tiêm cách nhau 3 tuần, Moderna và Vero Cell hai liều cách nhau 4 tuần, AstraZeneca là 8-12 tuần. Tiêm chậm liều hai so với khuyến cáo không làm ảnh hưởng tới hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine, người dân không quá hoang mang và không cần tiêm vaccine lại từ đầu.
Theo Sở Y tế TP HCM, kế hoạch triển khai thí điểm “thẻ xanh Covid” trong giai đoạn phục hồi kinh tế đã có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tiêm chủng vaccine.
Về chuyên môn y tế, “thẻ xanh Covid” được xem là một hình thức công nhận cho người có miễn dịch với virus nhờ đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 và đã hoàn thành cách ly. Người có “thẻ xanh Covid” sẽ ít nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, người có thẻ này không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, vẫn phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định.
Sở Y tế thành phố kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ thẻ xanh Covid và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp trên ứng dụng “Y tế HCM” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo đã tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. Ứng dụng này sẽ hiện rõ đã tiêm một mũi hay 2 mũi, khởi đầu sẽ triển khai thí điểm ở quận 7 để đánh giá tính hiệu quả trước khi nhân rộng.
Hiện, thành phố đã tiêm khoảng 8,7 triệu liều vaccine, trong đó hơn 6,7 người được tiêm mũi một và gần 2 triệu người được tiêm đủ hai mũi. Hơn 1 triệu người thuộc nhóm có nguy cơ cao gồm trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã được tiêm vaccine. Tính tổng cộng, thành phố đã bao phủ vaccine hơn 90% mũi 1 và hơn 20% mũi 2 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.