Theo tính toán mới nhất của các hãng hàng không, việc cắt giảm đường bay khiến các hãng thiệt hại tổng cộng 30.000 tỷ doanh thu trong năm 2020. Bộ đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ.
Theo văn bản được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 đến các đơn vị trong ngành GTVT, thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 1 thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến nay, các hãng hàng không đã dừng và giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.
Theo tính toán mới nhất của các hãng hàng không, việc cắt giảm đường bay vì dịch bệnh sẽ khiến các hãng thiệt hại tổng cộng 30.000 tỷ về doanh thu trong năm 2020. Ảnh: Ngô Minh.
Cụ thể, các hãng hàng không Việt đã cắt toàn bộ chuyến bay Trung Quốc, Hàn Quốc, cắt giảm 25% số chuyến bay Đài Loan (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019).
Đường bay Hong Kong của các hãng cũng đã cắt giảm 69% số chuyến bay (còn 36 chuyến/tuần so với 115 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (còn 4 chuyến/tuần so với 47 chuyến/tuần cuối năm 2019).
Với đường bay Nhật Bản hiện vẫn giữ 160 chuyến/tuần, nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép Bộ được áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cành tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa thời gian dự kiến từ 1/3 đến hết ngày 31/5 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3 đến hết ngày 31/5 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Theo Ngô Minh (Zing.vn – 18/3/2020)