Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu sở ngành nghiên cứu hình thức cưỡng chế cách ly bắt buộc, xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
“TP HCM và cả nước đang gồng mình chống dịch. Hai tuần tới là thời điểm cực kỳ quan trọng, quyết định thắng bại của cuộc chiến chống Covid-19”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong lưu ý khi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, chiều 23/3.
Hiện, mỗi ngày có 1.300-1.800 người về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất – áp lực rất lớn đối với thành phố trong công tác chống dịch. Ông Phong đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không lơ là, “không những vì an toàn bản thân, gia đình mà còn vì cộng đồng”.
Đề cập một số trường hợp không chịu đi cách ly – như phi công người Cameroon ở chung cư Ascent (quận 2) dù chính quyền địa phương, Sở Y tế và Ngoại vụ thuyết phục, ông Phong yêu cầu Sở Tư pháp lập quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc tại nhà và cách ly tập trung. Vấn đề này phải trình UBND thành phố chậm nhất là 2 ngày nữa. “Vì sự an toàn của cộng đồng, những trường hợp này phải cưỡng chế cách ly”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp chiều 23/3. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.
Sở Tư pháp cũng được giao nghiên cứu chế tài đối với người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Sở Công thương đưa ra các biện pháp xử phạt tình trạng thu gom khẩu trang khiến người dân không mua được, hoặc phải mua với giá cao. Đối với các vụ việc phức tạp, ông Phong giao Công an thành phố vào cuộc điều tra.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các chung cư đo thân nhiệt; kiểm soát người ra vào; nắm rõ lộ trình cư dân và cả những người thuê căn hộ… để kịp thời có biện pháp ứng phó.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nêu 2 trường hợp nguy hiểm có thể gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là “bệnh nhân 91” – quốc tịch Anh đã có mặt tại quán bar Buddha, quận 2, và nhiều người Hồi giáo dự lễ hội ở Malaysia về.
Ông Bỉnh kêu gọi công dân Việt Nam, đặc biệt là du học sinh ở châu Âu, Mỹ… về nước trước ngày 19/3 cách ly 14 ngày ở nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Thậm chí sau 14 ngày cũng phải hạn chế tiếp xúc vì có những ca ủ bệnh lâu hơn.
Tính đến tối 23/3, Việt Nam ghi nhận 122 ca nhiễm nCoV, riêng TP HCM có 30 ca (3 ca đã phục hồi); 9 trường hợp đang chờ kết quả; 6.760 người được theo dõi tại các khu cách ly tập trung của thành phố và các quận huyện; 1.016 người cách ly tại nhà.
Theo Hữu Công/VnExpress – 23/3/2020