Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, lên phương án cách ly trên diện rộng, theo chỉ thị của Thủ tướng ngày 11/3.
Trong chỉ thị thứ tư về tăng cường chống Covid-19, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Văn hóa Thể thao Du lịch, Lao động Thương binh Xã hội và các địa phương phối hợp thực hiện chỉ đạo trên; có thể huy động khách sạn, cơ sở lưu trú làm nơi cách ly tập trung.
Tất cả người nhập cảnh đến hoặc đi qua vùng dịch sẽ được cách ly tập trung, sau đó sẽ được sàng lọc để có biện pháp chống dịch phù hợp, không để lây chéo. Cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang làm việc tại các khu cách ly tập trung phải được bảo vệ sức khỏe, không để bị lây nhiễm.
Bộ Y tế, Ngoại giao sẽ công bố danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch để cách ly tập trung người đến hoặc đi qua đây nhập cảnh Việt Nam.
Theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cách ly trên diện rộng là khoanh vùng, phong tỏa một hoặc nhiều xã, khu phố hoặc chung cư. “Xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) thuộc diện cách ly này”, ông Phu nói.
Khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) đang được cách ly sau khi phát hiện “bệnh nhân 17” tại đây. Ảnh |
Các địa phương có trách nhiệm khoanh vùng, tiêu độc khử trùng ngay những khu vực phát hiện người nhiễm nCoV; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực này; rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung; phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh; cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát người nhập cảnh qua đường hàng không, trên bộ, hàng hải; kiểm soát việc nhập cảnh qua biên giới Tây Nam. Các chuyến bay giữa Việt Nam đến vùng có dịch và ngược lại (kể cả của hãng hàng không nước ngoài) được hạn chế tối đa.
Từ 0h ngày 12/3, Việt Nam dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại 8 nước châu Âu gồm: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha .
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế được giao tập trung nghiên cứu cách phòng, chống, phác đồ điều trị, vaccine phòng bệnh; sớm đưa bộ kit xét nghiệm nCoV vào sử dụng. Bộ Y tế rà soát về nhân lực, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó nếu dịch lây lan trên diện rộng.
Những người đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và người găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường, có thể bị xử lý hình sự. Bộ Tư pháp được giao đề xuất hình thức xử lý người vi phạm khi khai báo y tế hoặc không cách ly.
Cùng với việc hạn chế họp, sự kiện đông người, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành, học tập; người dân được khuyến khích dùng dịch vụ công trực tuyến.
Đến trưa 11/3, thế giới ghi nhận 114.191 người mắc nCoV; 4.019 người tử vong. Nhiều nước châu Âu có số người nhiễm tăng nhanh như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức.
Việt Nam ghi nhận 38 người nhiễm nCoV, trong đó 16 người đã khỏi, 22 người mới phát hiện trong sáu ngày qua. Khoảng 34.600 công dân đã được cách ly trong doanh trại quân đội và các địa phương; trong đó 13.500 người đã hết thời gian cách ly (14 ngày), được cấp giấy chứng nhận, trở về nhà.
Theo Vnexpress