Đại dịch Covid-19 khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng trên thế giới. Những người đã và đang đối mặt với thất nghiệp nên làm thế nào để đứng vững sau khi cơn khủng hoảng này qua đi? Hãy thay đổi! Hãy thoát khỏi lối mòn “tư duy tập thể” và tự xây dựng giá trị cho riêng bản thân mình để “sống sót” và tồn tại khi chẳng may gặp biến cố! Đó cũng chính là điểm cốt lõi của tựa sách “Đừng chạy theo số đông” mà tác giả Kiên Trần muốn gửi gắm đến chúng ta.
Vào những thời khắc đầu tiên của năm 2020, thay vì đón chờ một thập niên tươi sáng, chẳng ai có thể tưởng tượng ra nỗi ám ảnh mà đại dịch Covid-19 đã thay đổi cục diện của toàn thế giới cũng như Việt Nam: kỳ nghỉ Tết dài nhất trong lịch sử của học sinh – sinh viên, những con đường vắng tanh, hàng quán, điểm tham quan đóng cửa, hàng ngàn người thất nghiệp, kinh tế toàn cầu thiệt hại khủng khiếp… Chưa bao giờ loài người chúng ta lại yếu đuối và phải sống trong tình thế “bị động” như trong thời điểm này.
Chúng ta đã từng vội vã, đã từng rất hối hả chạy theo một hàng dài, hòa mình vào đám đông với chuỗi ngày làm việc bận rộn, cứ lặp đi lặp lại như thế mà chẳng chuẩn bị gì trước; bởi chẳng ai nghĩ, hoặc có nghĩ đến nhưng không quan tâm rằng có lúc chúng ta sẽ bị lao đao đến không thể làm gì như hiện nay.
Cho đến khi những nỗi sợ tưởng như rút hết sức lực và tinh thần của con người trong cơn bĩ cực mang tên “Đại dịch Covid-19”, chúng ta mới nhận ra cuộc sống về bản chất là những con sóng lên xuống nhấp nhô, nó buộc chúng ta phải đối phó và xoay sở theo cách riêng của mình, nó khiến ta nhận ra những việc làm ta làm trước kia tưởng chừng như tạo ra giá trị cho bản thân, thực ra lại vô nghĩa một khi “thảm họa” ập tới.
Vậy ta phải làm gì sau khi đại dịch qua đi?
Benjamin Franklin có một câu nói vô cùng nổi tiếng như thế này: “Nếu tất cả mọi người đều đang suy nghĩ giống nhau, thì tức là chẳng có ai đang suy nghĩ”.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Điều chúng ta cần làm là thay đổi tư duy sống! Thay đổi suy nghĩ khác đi, đừng lặp lại những suy nghĩ, những việc mà trước đó xã hội, cả thế giới định nghĩa thay cho ta, rằng vì nó an toàn, là điều mà ai cũng phải làm! Đại dịch lần này là một phép thử, và kết quả cho ra rằng “tư duy tập thể” chưa chắc đã đúng, những việc chúng ta hối hả chạy theo hàng ngày chưa chắc là an toàn cho ta.
Hãy ghi nhớ và áp dụng tư duy “Xây thành phố của chính bạn”
Cuốn sách “Đừng chạy theo số đông” của Kiên Trần sẽ củng cố tư duy một lần nữa cho ta sau mùa đại dịch: hãy chăm tưới cây “vườn nhà mình” thay vì chăm tưới cây cho vườn nhà người khác, khoản thù lao mà ta nhận được hàng tháng và cái danh “tự hào” chẳng làm được gì một khi thảm họa như Covid-19 xảy ra.
Nếu một ngày
nào đó công ty cho bạn nghỉ việc, hoặc bạn chán ngấy công việc đang làm và phải
tự giải thoát, bạn chỉ còn cách bấu víu vào hai thứ tài sản này và một ít tiền
để dành nếu có. Thay vào đó, bạn hãy tự xây dựng một thành phố của riêng mình như tác giả Kiên Trần đã nói trong sách: “Cái bạn thật sự cần, đó là bạn cần
dành thời gian, sự sáng tạo, kiến thức để xây thành phố của chính bạn.
Đúng vậy, của chính bạn. Bạn muốn mảnh
đất của bạn không cần phải trù phú như công ty X kia, nhưng ít nhất nó
phải ra cái thành phố. Nói nôm na, nếu một mai bạn bị mất việc, bạn vẫn sống được, thành phố của
bạn vẫn vận hành và “nuôi” được bạn.”
Hãy tập trung vào thị trường
Hãy linh hoạt trong giáo dục. HỌC CÁCH HỌC. Bởi những gì bạn học có thể giá trị bây giờ nhưng sẽ thừa mứa (overserving) trong tương lai. Bạn cần phải học cái khác, trong thời gian ngắn.
Đừng tập trung vào sự hào nhoáng. Sự ổn định. Sự tự hào trong lao động cổ vũ bởi xã hội. HÃY TẬP TRUNG VÀO THỊ TRƯỜNG. Bởi công việc bạn có ý nghĩa, cao siêu với bạn bao nhiêu nhưng nếu thị trường không quan tâm, thì TẤT CẢ TRỞ NÊN VÔ NGHĨA. Bao nhiêu bằng cấp cũng chỉ để trang trí.
Giữa guồng quay hỗn loạn do Covid-19 gây ra, khi nhiều người phải ở trong nhà ngán ngẩm nhìn bốn bức tường vì không có việc làm, những lời khuyên về thay đổi tư duy sống trong cuốn sách “Đừng chạy theo số đông” của Kiên Trần cho chúng ta “thấm thía” bản chất thật của cuộc sống: chỉ khi chịu thay đổi tư duy ta mới có thể tìm ra con đường cho chính mình.
Hoa Vy