Một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để tạo chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước.
Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC (PAR Index 2019) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019. Theo đó, chỉ số CCHC được đánh giá ở 17 bộ, ngành và 63 tỉnh, TP trong cả nước.
Ngân hàng Nhà nước quán quân 5 năm liền
Kết quả chỉ số CCHC năm 2019 cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn dẫn đầu với 95,4%. Chia sẻ về việc lần thứ 5 liên tiếp đứng ở vị trí quán quân về chỉ số CCHC, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh 6 lĩnh vực CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm.
“Mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với DN và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện và thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.
Ngành ngân hàng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Ảnh: Tấn Thạnh.
Ông Đào Minh Tú cho rằng việc tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là vô cùng quan trọng. Theo đó, các sản phẩm đưa ra phục vụ người dân và DN phải tiện lợi, an toàn trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Để đạt được kết quả tích cực trong những năm vừa qua, NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công mức độ 3, 4; thanh toán các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, 2 năm liền, Bộ Giao thông Vận tải ở vị trí “đội sổ”, Bộ Y tế ở vị trí chót liền kề. Trong bảng kết quả chỉ số CCHC của các bộ, ngành năm 2019, Bộ Công Thương tụt hạng. Theo đó, năm 2018, cơ quan này đứng thứ 5 với chỉ số 84,38%, năm 2019 rơi xuống thứ 10 trên tổng số 17 bộ, ngành, với chỉ số 84,36%. Kết quả này cho thấy trong khi các bộ, ngành khác tăng điểm số rất cao sau 1 năm thì Bộ Công Thương gần như giẫm chân tại chỗ.
Ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đánh giá từ chỉ số này cho thấy một số bộ chưa hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019. “Công tác cải cách thể chế còn hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, còn 5 bộ chưa hoàn thành việc xử lý, trả lời các kiến nghị của địa phương để tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ. Một số bộ vẫn còn trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá thời gian qua, các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, coi đây là một trong những tiền đề, nền tảng quan trọng thúc đẩy triển khai các nội dung cải cách. CCHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, DN, đặc biệt là các yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Phó Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành đã đạt kết quả cao ở những chỉ số đã công bố như: NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Đặc biệt, NHNN có 5 năm liên tiếp đạt kết quả cao nhất, xếp vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC từ năm 2015-2019.
Quảng Ninh tiếp tục số 1, Bến Tre ì ạch
Với chỉ số 90,09%, Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu về kết quả chỉ số CCHC của các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ninh đạt 95,26%, vươn lên vị trí thứ nhất trên toàn quốc, tăng 6 bậc so với năm 2018.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, giải thích địa phương thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, DN. Bên cạnh đó, các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện tăng mức độ công khai, minh bạch bằng việc giải quyết thủ tục theo phương thức 5 tại chỗ: “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả”. Theo ông Hậu, Quảng Ninh cũng đã thực hiện sắp xếp hành chính tại các sở, ngành, qua đó giảm 119 đầu mối, 79 đơn vị sự nghiệp công.
Hà Nội duy trì vị trí á quân với chỉ số 84,64%, xếp sau là Đồng Tháp, Hải Phòng và Long An. Các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Bến Tre thuộc nhóm có chỉ số thấp nhất, chỉ trên 70%, trong đó Bến Tre ở vị trí cuối bảng với 73,87%. Chi tiết kết quả đánh giá cũng cho thấy công tác CCHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn nhiều hạn chế như: không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chậm xử lý các văn bản trái pháp luật và những hạn chế, bất cập đã được cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền chỉ ra; không kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính theo quy định; nhiều nhiệm vụ về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công chưa hoàn thành hoặc thực hiện chưa đúng quy định…
Về cải cách thể chế, ông Phạm Minh Hùng nêu rõ một số địa phương còn tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật. Tỉ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, các phòng chuyên môn thuộc sở, ngành còn có cơ cấu số lượng lãnh đạo chưa hợp lý, còn vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, nhiều tỉnh, TP chưa không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh – kiểm tra.
Lãnh đạo chưa thể hiện được vai trò
Nhấn mạnh vai trò của CCHC, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cải cách là làm cho bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Cán bộ công chức phải biết đề cao ý thức là “công bộc” của dân, phục vụ nhân dân, không được sách nhiễu nhân dân. Từ đó, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, phục vụ người dân của các bộ ngành, địa phương. Cụ thể, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để tạo chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước.
“Nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức trong giải quyết thủ tục hành chính. Có tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, gây phiền hà cho người dân, DN, không thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết trễ hẹn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy, nhận thức coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế – xã hội.
“Người dân, DN đến cơ quan hành chính nhà nước phải được hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục, nếu công chức và cơ quan trễ hẹn ngày trả kết quả giải quyết thì phải nêu rõ lý do và xin lỗi chân thành”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh CCHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội năm 2020 và tạo tiền đề, sức bật cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên PHẠM ĐẠI DƯƠNG: “Rất cần người dân phối hợp” Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc tỉnh Phú Yên trong 2 năm liền nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số CCHC thấp trong cả nước, chiều 19-5, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, lý giải: “Thật ra, năm vừa qua, Phú Yên đã rất nỗ lực CCHC. Từ tháng 2-2019, tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4. Các ngành, các cấp cũng cố gắng bảo đảm thủ tục để phục vụ người dân và DN. Tuy nhiên, do xuất phát điểm ở Phú Yên thấp nên chưa vực dậy nổi”. Theo ông Phạm Đại Dương, về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Phú Yên đã tăng đến 8 bậc từ mức trung bình năm 2018 tăng lên mức khá năm 2019 do cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Từ khi về công tác ở Phú Yên, tôi đã xem CCHC là 1 trong những giải pháp quan trọng nhất để Phú Yên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội nhưng người dân vẫn chưa quen với thủ tục công trực tuyến. Vì vậy, rất cần người dân phối hợp và chúng tôi cũng phải nỗ lực hơn” – ông Phạm Đại Dương bày tỏ. H. Ánh |
Theo Minh Chiến (Người Lao Động)/Khampha.vn – 20/5/2020