Trong khi cả nước tiếp tục không lơ là ứng phó dịch Covid-19, thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh thành trên cả nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. Những ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện giữa lúc dịch Covid-19 là mối nguy cơ dịch chồng dịch, do vậy, cần có những biện pháp phòng chống, kịp thời. Chính vì vậy mà chương trình “Lời cảnh báo” tháng 6 phát sóng thứ 2 và thứ 4 hàng tuần trên kênh THVL1 đã đưa nội dung này lên như một lời cảnh báo dành cho khán giả.
Trao đổi với phóng viên của chương trình, bác sỹ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm bệnh viên Nhi đồng 2 (tp.HCM) cho biết: Hiện tại chưa có thuốc đặc trị cho loại bệnh này. Sự sống còn của bệnh nhân phụ thuộc vào cơ địa của họ và thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn. Mức độ lay lan cao và dễ dàng trong mùa mưa. Thường sốt trong 48h thì chưa có nhận biết được. Đôi khi phải xét nghiệm máu nhiều lần, khám liên tục mới phát hiện được. Trong tình hình hiện tại, đôi khi việc bị sốt xuất huyết và nhiễm cúm Covid rất khó phân biệt vì triệu chứng khá giống nhau. Chính vì vậy mà việc phòng chống sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid là hết sức quan trọng.
Dịch như sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như Covid-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn. Hiện nay các ổ dịch đang bắt đầu lan rộng tại nhiều địa phương, Bộ y tế đang tiến hành điều tra, theo dõi các ca bệnh để tiến hành xác định được chính xác các ổ dịch nhằm đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Chương trình Lời Cảnh Báo cũng đưa ra những lời khuyên gợi ý để khán giả xem đài có thể tham khảo như:
Tuy nhiên không chỉ sốt xuất huyết, một căn bệnh khác cũng đang được chú ý khi những cơn mưa kéo đến ngày càng nhiều. Đó là Bệnh sốt mò. Dù xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, cao điểm là các tháng 6-7. Sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi, truyền sang người qua ấu trùng mò. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, do rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác, sốt mò thường bị chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%.
Tiến sỹ Đoàn Bình Minh – Trưởng Khoa Côn trùng, Viện Sốt Rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TP.HCM cho biết: Cả trẻ em lẫn người lớn đều có thể bị nhiễm bệnh. Thông thường thì bệnh sốt Mò có các triệu chứng khá giống với các bệnh sốt khác. Chính vì vậy các bác sỹ ở địa phương khó có thể phát hiện ra được bệnh này. Thường các vết đốt nằm trong các vùng kín của cơ thể nên càng khó phát hiện hơn.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của sốt mò. Các loài chuột, động vật gặm nhấm và thú nhỏ – vật chủ ký sinh của ấu trùng mò đỏ – có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi ở nước ta. Chúng xuất hiện nhiều ở những bụi rậm, bụi cây có bóng râm, nơi ẩm ướt… mà trẻ em lại là nạn nhân nếu như không được phụ huynh để ý coi sóc nên trẻ em thường bị mỏ đốt.
Do vết đốt nhỏ, không đau, ấu trùng thường chọn những nơi da cơ thể mềm như vùng nách, vùng cổ, vùng bẹn… để đốt nên người nhà rất khó phát hiện. Chuyên gia của chương rình cho biết con mò trưởng thành thường không phải là nguyên nhân gây bệnh sốt mà chính ấu trùng mò khi xâm nhập cơ thể người mới là nguyên nhân.a
Bệnh sốt mò hiện vẫn chưa có thuốc chữa trị, lại rất khó phân biệt tình trạng bệnh nên việc phòng chống bệnh này rất cần thiết, đặc biệt là trẻ em. Chương trình Lời Cảnh Báo đã đưa ra lời khuyên:
1. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo và thoáng khí.
2. Không để trẻ em nằm trên sàn nhà, nơi ẩm thấp. Ngủ phải có màn che.
3. Người dân phải có phát quang bụi rậm xung quanh nhà, xịt hoá chất diệt mò…
4. Tránh phơi quần áo nơi râm tối, gần cây cỏ, bờ mương…
5. Không ngồi xuống đất hay đặt balo xuống đất, gần bụi cây.
6. Khi có biểu hiện sốt nên đến ngay bệnh viện để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán đúng bệnh.
Để hiểu rõ hơn về căn bệnh khó nhận biết này trong mùa mưa, khán giả có thể theo dõi các số phát sóng vào tuần sau của Lời Cảnh Báo. Các chuyên gia sẽ tiếp tục đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích dành cho người dân phòng chống và bảo vệ sức khoẻ trong mùa mưa năm nay. Mời quí vị đón theo dõi trên webiste chính thức của đài truyền hình Vĩnh Long hoặc chương trình “Lời cảnh báo” tháng 6 phát sóng thứ 2 và thứ 4 hàng tuần trên kênh THVL1.
Hoa Vy