Bởi trẻ em chính là những mầm non tương lai, việc tạo điều kiện cho thế hệ tương lai được trưởng thành trong một xã hội văn minh, có nhiều người hành động tử tế thì các em sẽ hoàn thiện và phát triển tốt về mặt nhân cách hơn.
Tháng 8 là giai đoạn dịch Covid -19 đang quay trở lại và bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Đây cũng là giai đoạn nghỉ hè của nhiều em nhỏ đang ở độ tuổi đến trường nên việc tương tác và dành nhiều thời gian dài cho trẻ khi sinh hoạt trong gia đình là một điều quan trọng. Chính vì vậy Câu Chuyện Cuộc sống trong tháng 8 vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 đã dành nhiều thời lượng của chương trình để nói về những vấn đề xoay quanh việc giáo dục con trẻ, phòng chữa bệnh cho trẻ em trong mùa dịch bệnh.
Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện truyền thông có thảo luận về tấm ảnh trong một lớp nhiều em học sinh khoe giấy khen mà chỉ có một em không có. Thực tế thì có rất nhiều hội phụ huynh vì để tránh con em không bị tủi thân với bạn bè đã làm giấy khen động viên và phát cho tất cả các em học sinh với hi vọng động viên các bé. Tuy nhiên việc làm này lại có 1 bất cập đó chính là khiến nhiều bé không chủ động cố gắng và nhận thức được giá trị của lời khen. Điều này làm người ta nhận thấy việc khen thưởng dành cho các em học sinh không còn đơn giản như trước. Trong số phát sóng tối 13/8, chủ đề “Khen Sao Cho Đúng Và Giá Trị Của Lời Khen Với Con Trẻ” đã đề cập đến những vấn đề mà phụ huynh đáng lưu ý để có những lời động viên, khen tặng phù hợp với con em mình.
Chuyên gia tâm lý – Tiến sỹ Tô Nhi A đã đưa ra nhận xét rằng: Phụ huynh nên khen con trẻ xuất phát từ những điểm sáng tích cực thực sự của bé thì điều này mới có khả năng khuyến khích sự nỗ lực, cố gắng của các bé. Lời khen phải trung thực, đúng với thực tế. Chúng ta có thể chọn những ưu điểm mà con em mình đã cải thiện từ trong cuộc sống, hành động hàng ngày. Hướng dẫn bé để có thể hoàn thiện và đạt được điểm sáng khác. Bởi dù sao nhu cầu được khen cũng là một điều đáng được khuyến khích và mang tính động lực rất lớn của con người chứ không phải chỉ với trẻ em.
Trong tháng 8, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống sẽ phát sóng tiếp một câu chuyện Khi Trẻ Em Trở Thành Tấm Gương Cho Người Lớn. Đây là một đề tài đáng để nhiều người suy ngẫm về những câu chuyện về lòng tốt và tấm gương của trẻ em và người lớn. Chương trình phát sóng ngày 18/8 sẽ đưa một loạt các câu chuyện và tấm gương của người tốt việc tốt cũng như người xấu việc xấu lên như một minh chứng cho việc nhận thức được các hành vi của người lớn luôn được con trẻ quan sát và bắt chước.
Quá trình phát triển của trẻ em, có 4 yếu tố tham gia vào việc điều phối quá trình phát triển đó: Bẩm sinh – Di truyền, Môi Trường, Giáo Dục và tự hoạt động cá nhân. Điều này dẫn đến việc hành vi của người lớn ảnh hưởng nhiều đến việc tự nhận thức của trẻ em đối với cuộc sống xung quanh. Câu chuyện về cái nắp cống được chương trình nhắc tới với hình ảnh một người trưởng thành nạy ra, đem đi bán và hình ảnh cậu bé học sinh khơi thông cống khiến nhiều người lớn đều phải nhìn lại mình. Khá nhiều gương việc tốt khác của các em học sinh được nhắc đến như một lời nhắc nhở dành cho những người trưởng thành cần chú ý hơn đến hành vi, thái độ của bản thân.
Một số khán giả trong chương trình đã chia sẻ cảm nghĩ của mình rằng: Người lớn và trẻ em đều nên học hỏi lẫn nhau. Người lớn có nhận thức cao hơn, tuổi đời nhiều hơn thì càng phải nhìn ra được những điểm tốt của trẻ em để học tập và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với qui chuẩn của xã hội. Nếu những ai đang làm điều sai trái, tiêu cực cho cuộc sống thì cần nhìn nhận lại và chỉnh sửa bản thân. Bởi trẻ em chính là những mầm non tương lai, việc tạo điều kiện cho thế hệ tương lai được trưởng thành trong một xã hội văn minh, có nhiều người hành động tử tế thì các em sẽ hoàn thiện và phát triển tốt về mặt nhân cách hơn.
Mời quí vị cùng đón xem Câu Chuyện Cuộc Sống được phát sóng lúc 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích cho cuộc sống xung quanh.
Hoa Vy