Nuôi dạy con luôn là đề tài muôn thuở của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Một số cha mẹ cảm thấy nuôi dạy con như một cuộc chiến, cũng có một số cha mẹ lại nhàn tênh.
Điều đó phụ thuộc rất lớn vào cách thức dạy con của mỗi gia đình. Chính vì vậy, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống trong tháng 9 này đã dành nhiều thời lượng của chương trình trong nhiều số để nói về những vấn đề việc dạy con đúng cách và cách cư xử đúng đối với trẻ dành cho các vị phụ huynh. Đáng chú ý chính là các đề tài: Cha mẹ thiên vị – Con cái tổn thương như thế nào?, Khi cha mẹ thất hứa và tổn thương của con trẻ, Cha mẹ cần làm gì khi con không ngoan, Hạ thấp trẻ để trẻ phấn đấu, thói quen làm trẻ tổn thương… được phát sóng rải rác suốt tháng 9 vừa qua được nhiều khán giả quan tâm.
Theo nếp sống cũ thì đại đa số gia đình Việt chọn hai phương thức nuôi dạy con phổ biến thường dùng roi vọt, quát tháo hoặc luôn yêu chiều, dỗ dành con. Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái trở thành những người thông minh, tốt bụng, trung thực và dũng cảm. Thực tế là những phẩm chất này ở trẻ không phải tự nhiên có được mà là kết quả từ cách dạy con của bạn. Đối với một số người, việc trở thành bạn bè của con không phải là việc dễ dàng, nhất là khi bạn có nhiều việc phải làm, nhiều mối quan hệ phải quan tâm.
Cha mẹ cần làm gì khi con không ngoan?
Số phát sóng “Cha mẹ cần làm gì khi con không ngoan”, chương trình đề cập đến việc phụ huynh cần tinh tế hơn khi đối thoại với con khi chúng phạm lỗi. Theo chuyên gia giáo dục – tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Huyền : Việc bạo lực bằng lời nói hay đòn roi không phải là biện pháp giáo dục bền vững. Hãy chứng minh cho con thấy bạn là một người bạn đáng tin cậy của trẻ, tránh tối đa việc la mắng trẻ, không cao giọng giảng giải khi bé mắc lỗi. Hãy dành thời gian lắng nghe, trò chuyện, chơi đùa cùng con. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu con hơn, từ đó có cách dạy con phù hợp mà còn giúp gắn kết tình cảm gia đình. Cha mẹ nên chấp nhận việc con có quyền mắc lỗi để trưởng thành khi học hỏi kinh nghiệm từ chính những sai lầm của bản thân. Đừng trách phạt con khi bé mắc lỗi, hãy chỉ ra những sai lầm mà bé có thể tránh… Điều này sẽ rất hữu ích cho con.
Phê bình và khoan dung đúng lúc, đúng việc
Bố mẹ là người chịu trách nhiệm chính đối với tương lai của trẻ bởi cách dạy con của bố mẹ là chìa khóa giúp trẻ gặt hái thành công trong tương lai. Vì vậy khi con mắc lỗi, đừng dùng những lí lẽ “Trẻ con mà, có biết gì đâu” hay “Trẻ con có hiểu gì đâu” để bao biện. Bạn cần nhắc nhở con nhẹ nhàng, khéo léo để trẻ tự nhận ra lỗi lầm mình mà không bị tổn thương. Cùng với đó, bạn cũng nên học cách khoan dung vô điều kiện, khi con mắc những lỗi nhỏ, tránh dẫn đến những căng thẳng không đáng có.
Theo chuyên gia tâm lý thì với trẻ con, mời hứa rất quan trọng. Nhiều khi người lớn hứa với trẻ nhưng có thể do quá bận rộn không nhớ, còn với đứa trẻ đó là lời vàng ngọc. Khi đứa trẻ mất lòng tin ở người lớn thì chẳng những tình thương yêu của nó giảm đi mà từ nay về sau, bất cứ lời dạy bảo nào cũng kém hiệu quả. Khi hứa, nên chú ý: Nếu cảm thấy khó thực hiện 100% lời hứa thì không hứa. Khi đã hứa mà sau đó cảm thấy không thể giữ lời hứa thì cần nói sớm điều ấy cho đứa trẻ biết vì sao. Không đợi trẻ hỏi: ”Sao mẹ hứa mà không làm” rồi mới xin lỗi. Đã một lần không giữ lời hứa thì lần tiếp theo, khi đã hứa, phải khắc phục mọi khó khăn để thực hiện cho bằng được.
Vẫn còn rất nhiều đề tài được khai thác để quí vị phụ huy tìm ra được phương pháp nuôi dạy con trẻ phù hợp. Đón xem các số tiếp theo của Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích cho cuộc sống.
Hoa Vy