Dù lúc này, bản thân mình chưa được quá “tỏa sáng” như nhiều bạn bè khác, nhưng Lâm Nguyễn không cảm thấy buồn, bởi anh tin rằng mỗi người đều có một cái duyên riêng, và có thời điểm của riêng mình.
Là một trong những tên tuổi trưởng thành từ cái nôi của nhóm kịch Đời do “bà bầu” Hồng Trang làm chủ xị, nam diễn viên trẻ Lâm Nguyễn (tên thường hay gọi là Bích Lệ) dường như có con đường chinh phục nghệ thuật khá gập ghềnh, nhiều chông gai, và chậm hơn nhiều so với các bạn bè, anh chị em cùng thời như Puka, Diệu Nhi, La Thành, Hoàng Phi, Mai Tài Phến, Hải Triều…
Cho đến thời điểm hiện tại, Lâm Nguyễn đã từng phải trải qua rất nhiều nghề nghiệp, công việc, “lăn xả” vào rất nhiều vai trò ở bên trong và cả bên ngoài showbiz để mưu sinh, kiếm sống và chăm lo cho gia đình. Dù lúc này, bản thân mình chưa được quá “tỏa sáng” như nhiều bạn bè khác, nhưng Lâm Nguyễn không cảm thấy buồn, bởi anh tin rằng mỗi người đều có một cái duyên riêng, và có thời điểm của riêng mình. Từng gắn bó và chứng kiến rất nhiều bạn bè mình cũng trải qua thời tuổi trẻ cơ cực, anh không cảm thấy ganh tỵ, mà ngược lại, thấy vui dùm bạn bè vì họ đã đạt được thành công nhất định.
Riêng với bản thân mình, Lâm Nguyễn vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để chinh phục con đường riêng, và đặc biệt là tập trung cho chương trình “Cùng nhau tỏa sáng”, một chương trình mà anh tin rằng do “tổ nghề” đã đáp lời và mang đến cho mình sau một lần vái tổ. Nắm chặt cơ hội trong tay, Lâm Nguyễn tự nhủ sẽ không để bất cứ khoảng thời gian nào trôi qua lãng phí nữa. “Ở độ tuổi này, dù chưa già, nhưng cũng đã đủ trưởng thành để tôi hiểu rằng không gì quý hơn việc làm nghề, được có cơ hội cống hiến. Mình cứ sống và làm việc hết mình, mọi thứ ắt sẽ được đền đáp”, nam nghệ sĩ trải lòng.
Vai diễn “ở đợ” tiếp năng lượng kiên trì với nghề
Hành trình theo nghiệp diễn của Lâm Nguyễn là một câu chuyện dài. Ngay từ khi học cấp ba xong, Lâm Nguyễn đã chủ động tìm cách kiếm sống, vì gia cảnh không mấy khá giả. Khi đó, anh chỉ dám xin mẹ 20 triệu đồng để học trường Trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn, rồi vừa họ vừa bươn chải kiếm tiền. Anh còn nhớ mãi công việc đầu tiên của mình chính là bán trà sữa, lương chỉ hơn 1 triệu mỗi tháng nhưng lại cực kỳ tự hào và hạnh phúc.
Sau đó, Lâm Nguyễn bắt đầu làm thêm nhiều công việc khác, liên quan đến việc học của mình như như nhà hàng, khách sạn… Nghề nào anh cũng làm được và cố gắng theo đuổi hết mình để có tiền trang trải cuộc sống. Và cơ duyên đến với nghệ thuật là vào khoảng năm 2010 – 2012, khi Lâm Nguyễn nhận làm thêm một công việc là đi hát. Thời điểm đó anh được nhiều bạn bè khen là hát có cảm xúc nên để “liều mạng” nhận lời đi hát cho một quán cafe do gia đình của một bạn cùng lớp mở. Và quyết định đó đã mang anh đến với nhóm kịch Đời của bà bầu Hồng Trang. Thời điểm đó mô hình diễn kịch ở quán cafe rất thịnh, nhóm kịch Đời có giai đoạn lên đến hơn 100 cộng tác viên, mà Bích Lệ là một phần trong đó. Vở kịch đầu tiên mà Bích Lệ diễn cùng nhóm kịch đời là Romeo và Juliet. Dù chỉ là vai nhỏ, nhưng anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc và hài lòng với bản thân mình.
Tuy nhiên, khi nhắc đến những vai diễn đáng nhớ cùng nhóm kịch Đời, Lâm Nguyễn cho biết: “Có một đợt nhóm kịch Đời tổ chức sinh nhật 10 năm ở Sân khấu Thế giới trẻ, chị Hồng Trang giao tôi một vai phụ không thoại, là nhân vật ở đợ dẫn cậu hai qua sông hỏi vợ. Nhân vật của tôi có tạo hình với nốt ruồi ở bên má, không thoại nên tôi rất băn khoăn không biết để làm sao chinh phục được khán giả. Rồi tôi quyết định diễn một gương mặt thật ngu ngơ, thật xấu để tạo sự ấn tượng với người xem. Kết quả là tôi vừa bước ra sân khấu chèo thuyền là mọi người cười rần rần: “Trời ơi sao thằng kia mặt nó xấu mà khó chịu quá?”. Lúc đó có cả khách mời là NSƯT Hữu Quốc, ca sĩ Nguyễn Lộc… ở dưới khán đài, và mọi người chú ý đến tôi từ thời điểm đó”. Anh chia sẻ, đây cũng là hình ảnh đầu tiên mà mình gây được chú ý mạnh đến bà bầu Hồng Trang để có cơ hội diễn dupe trong nhiều vở khác, nên có thể nói đây chính là vai diễn “truyền lửa” cho bản thân mình trong giai đoạn đầu theo đuổi nghề nghiệp.
Từng bị đánh rớt vì thiếu hình thể, xỉu khi đi làm sự kiện ở siêu thị
Khi được hỏi vì sao yêu thích nghệ thuật nhưng lại không chọn theo đuổi học Sân khấu Điện ảnh ngay từ đầu, Lâm Nguyễn “bật mí” rằng mình từng dự thi nhưng lại bị đánh rớt ngay từ khâu hình thể. Yêu cầu đưa ra là nam phải cao trên 1m7 nhưng Lâm Nguyễn không đủ đáp ứng, nên ngậm ngùi từ bỏ ý định theo học. Lúc đó anh tự trấn an bản thân rằng thôi mình có thể đi hát kiếm sống được là vui rồi. “Có đêm tôi hát 20 bài nhưng chỉ nhận có 80 nghìn đồng”, anh kể. Nhưng Lâm Nguyễn vẫn thấy tự hào và xúc động khi nghĩ lại quãng thời gian bươn chải đó, anh không nề hà bất cứ việc gì, từ hát, diễn, làm vũ công, múa đám cưới cho đến làm biên tập viên, MC radio online.
Năm 2013, gia đình diễn viên trẻ gặp biến cố. Đó là giai đoạn Lâm Nguyễn tạm gác lại đam mê nghệ thuật để tập trung vào những công việc có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Anh tham gia công việc truyền thông, tổ chức sự kiện, một lĩnh vực không phải thế mạnh của bản thân nhưng Lâm Nguyễn vẫn cố gắng hết sức để không phải bỏ cuộc. Có những lúc Lâm Nguyễn từng xỉu ở siêu thị khi đi làm việc, vừa xấu hổ vừa buồn, nhưng vẫn nỗ lực hết mình. Thời gian này anh không có thời gian đi diễn, đi hát, vừa mệt mỏi vừa nhớ nghề nhưng luôn dặn lòng không được bỏ cuộc.
Cháy hết mình dù được diễn vai dupe, vai phụ không thoại
Đến năm 2020, sau khi gia đình tạm ổn, anh dần nhận lại được những lời mời đi diễn, tham gia nghệ thuật. Sau nhiều năm, anh học được cách cân bằng nhiều thứ và lấy lại nguồn năng lượng cho bản thân mình. Từ đó đến nay, Lâm Nguyễn tiếp tục chinh phục được nhiều khán giả Việt qua rất nhiều những tác phẩm sân khấu, như các vở Tía ơi con lấy chồng, Mắc gì cười, Bồ công anh, vở kịch thiếu nhi Vương quốc của những người xấu xí… của sân khấu 5B, vở Hồn ma cô đào hát, Chuyện tình Bangkok, Chuyện hai chàng và sắp tới là Thanh xà bạch xà của Sân khấu Thế giới trẻ… Có những vở Lâm Nguyễn đóng vai chính, cháy hết mình trên sân khấu, cũng có những vở anh diễn vai dupe, vai phụ, nhưng với Lâm Nguyễn thì vai diễn nào cũng như nhau, miễn là được cháy hết mình, được lên sân khấu, được đắm chìm vào vai diễn, là đủ để anh cảm thấy hạnh phúc. Anh cảm ơn khán giả, các anh chị nghệ sĩ tiền bối và đặc biệt là Tổ nghề đã ưu ái, yêu thương và tạo điều kiện cho mình được đứng trên sân khấu và tỏa sáng.
Ở thời điểm hiện tại, Bích Lệ thường xuyên gặp gỡ khán giả thông qua các tác phẩm của nhóm kịch Đời, sân khấu 5B và sân khấu Thế giới trẻ, cùng với việc tham gia chương trình Cùng nhau tỏa sáng, anh hy vọng mình sẽ tiếp tục giữ vững được nhiệt huyết với nghề để theo đuổi con đường này đến tận cùng.
“Tôi có tham gia một vài dự án khác, như Kẻ độc hành của diễn viên Huỳnh Lập, hay tham gia một vài game show, truyền hình. Nhưng 70% thời gian tôi dành cho sân khấu kịch, vì đứng trên sân khấu là lúc mình có năng lượng nhất. Ngoài ra, sân khấu kịch còn là nơi nuôi dưỡng nghề, nuôi nhiệt huyết. Nhiều nghệ sĩ lớn dù có nổi tiếng cỡ nào vẫn phải giữ chân trong sân khấu để nuôi nghề. Làm sân khấu kịch không giàu mà còn nghèo hơn vì phục trang, chi phí, đầu tư,… mình đều tự lo hết nhưng điều quan trọng là giá trị mà sân khấu mang lại cho khán giả vô cùng lớn. Nên tôi vẫn luôn tự nhủ bản thân phải luôn giữ lửa với nghề mỗi ngày”, Bích Lệ trải lòng.
Hoa Vy