Tự lừa dối bản thân gây hại khủng khiếp cho chúng ta và cả cộng đồng. Nhưng tại sao hành vi này lại phổ biến? Trong cuốn sách “Ảo tưởng tích cực”, Shankar Vedantam và Bill Mesler cho rằng hành vi tự lừa dối bản thân đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công và hạnh phúc của chúng ta.
Hành vi tự lừa dối bản thân có phải luôn mang lại điều tiêu cực?
Chúng ta thường nghe nhiều về những hậu quả tiêu cực của ảo tưởng và hành vi tự lừa dối. Có rất nhiều tác phẩm đáng đọc và các tác giả đều rất am hiểu về những mặt trái khủng khiếp của hành vi tự lừa dối. Họ nhìn thấy rõ hậu quả tàn khốc của sự nhẹ dạ cả tin trong rất nhiều khía cạnh khác nhau, từ lĩnh vực chính trị, kinh doanh cho đến các mối quan hệ cá nhân.
Thay vì tìm cách loại bỏ hành vi tự lừa dối và tất cả hệ quả mà nó mang lại, hãy hướng tới một mục tiêu tốt đẹp hơn: suy ngẫm về cách hành vi tự lừa dối vận hành và tự hỏi bản thân làm cách nào để tận dụng nó. Nói cách khác, chúng ta nên bớt quan tâm đến câu hỏi đơn thuần về tính đúng sai, mà nên đặt ra những câu hỏi phức tạp hơn: Hậu quả của hành vi tự lừa dối là gì? Nó phục vụ cho ai? Liệu lợi ích mà nó mang lại có đủ để biện minh cho những tổn thất?
Hành vi tự lừa dối có thể có ích
Đôi khi, hành vi tự lừa dối có thể có ích – nó cho phép chúng ta đạt được các mục tiêu hữu ích về mặt xã hội, tâm lý hoặc sinh học. Việc bám vào những niềm tin sai lầm không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của sự ngu dốt, bệnh tật hay tội ác.
Nằm ở tâm điểm trong mối quan hệ rắc rối của chúng ta với sự thật là một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Chúng ta cần có hy vọng để sống tiếp, nhưng thế giới trao cho chúng ta vô vàn lý do để thất vọng. Đối với hầu hết mọi người trên hành tinh này, việc từ bỏ hành vi tự lừa dối sẽ dẫn đến sự tuyệt vọng và chứng rối loạn chức năng.
Cơ chế tự lừa dối của bộ não giúp chúng ta duy trì các tương tác hằng ngày với bạn bè, người yêu và đồng nghiệp. Nó có thể giải thích tại sao một số người sống lâu hơn những người khác, tại sao một số cặp vợ chồng vẫn yêu nhau còn những cặp khác lại đổ vỡ, tại sao một số cộng đồng lại gắn kết với nhau trong khi những cộng đồng khác lại chia rẽ.
Và đó cũng chính là lý do quyển sách “Ảo tưởng tích cực” được ra đời, mục tiêu của cuốn sách này không phải để bác bỏ tính hợp lý – hay để bảo vệ những kẻ lừa đảo, những tay bịp bợm, dối trá – mà để chứng minh rằng, chỉ vì hành vi tự lừa dối có thể hủy hoại chúng ta, điều đó không có nghĩa rằng nó không góp phần khiến ta hạnh phúc.
Chứa đầy những câu chuyện mạnh mẽ và đúc kết từ những hiểu biết mới về tâm lý học, khoa học thần kinh và triết học, cuốn sách “Ảo tưởng tích cực” mang đến một chuyến tham quan hấp dẫn về ảo tưởng nhận thức của chúng ta về bản thân.
“Ảo tưởng tích cực” bao gồm 3 phần:
Bốn chương của Phần I sẽ bắt đầu với những ví dụ trong cuộc sống thường ngày.
Phần II sẽ bao gồm nội dung chi tiết hơn về câu chuyện Hội thánh Tình yêu như một nghiên cứu điển hình về vai trò của hành vi tự lừa dối trong cuộc sống lứa đôi cũng như trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa của con người.
Phần III sẽ khám phá cách thức các cộng đồng, bộ lạc và quốc gia tổ chức hàng loạt kiểu lừa dối và tự lừa dối.
Hãy đọc để thấy ảo tưởng tích cực sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn như thế nào nhé!
Hoa Vy