Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống như ngừng phán xét người khác, đừng trở thành “người nhiều chuyện” và hệ lụy từ việc “khai khống” CV.
Ngừng phán xét người khác
Là một nhân viên văn phòng, chị N.Y luôn cố gắng hết mình trong công việc. Tuy nhiên, thay vì nhận được sự động viên, góp ý, chị lại thường xuyên phải đối diện với nhiều lời phán xét có phần tiêu cực, điều này khiến chị luôn tự ti, buồn bã và dần dần rơi vào trầm cảm. “Mọi người thường xuyên không nhìn thấy hết mọi việc mà đã vội soi mói, phán xét vào khuyết điểm của tôi, mặc dù tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng họ không hề nhìn thấy và công nhận nó, lâu dần tôi cảm thấy mệt mỏi và rất buồn với môi trường làm việc hiện tại”, chị N.Y chán nản.
Mọi sự việc đều có hai hoặc thậm chí nhiều khía cạnh, muốn hiểu thấu đáo, cần có góc nhìn đa chiều, lần lượt đứng ở từng góc độ khác nhau. Trong cuộc sống, chắc hẳn đã không thiếu những lần vì quá vội vàng, tin vào cảm nhận chủ quan, mà chúng ta đã đưa ra những lời phán xét vô tình làm tổn thương người khác.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An (Chuyên gia tâm lý) cho biết, nếu một người cứ mãi chú ý vào điều sai của người khác để bới móc, phán xét tất cả những khuyết điểm của người khác khiến người đó lâu dần hình thành một góc nhìn thiển cận. Đối với chính bản thân những người như vậy, họ luôn toát ra cảm xúc u ám, khiến mọi người xung quanh e dè khi tiếp xúc và làm việc.
Nhằm thay đổi thói quen hay phán xét người khác, chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An khuyên: “Cần phải giảm đi cái tôi của bản thân khi thật sự lắng nghe những lời góp ý của mọi người xung quanh, hãy lắng nghe một cách tích cực những góp ý của mọi người để thay đổi bản thân. Hành trình thay đổi cần có sự kiên trì, nhẫn nại và thực hành mỗi ngày, thay vì cứ mãi chú ý vào những khuyết điểm của người khác, hãy làm ngược lại, chú ý vào những điểm tích cực của người khác để khỏa lấp đi những phát xét của chính bản thân”.
Mỗi người trong chúng ta đều trải qua cuộc sống với hoàn cảnh và số phận riêng biệt mà người khác khó có thể hiểu hết. Do đó chúng ta không nên phán xét người khác, nhất là khi chúng ta không hiểu rõ tình hình và hoàn cảnh thực tế của họ.
Link tập 54: Ngừng phán xét người khác:
Đừng trở thành “người nhiều chuyện”
Ở một số người, nhu cầu giao tiếp không dừng ở việc trao đổi thông tin hữu ích, mà còn lấy chuyện người khác để bàn luận, cười cợt, thậm chí là xâm phạm vào quyền riêng tư của họ. Một góc độ nào đó, việc hỏi thăm chuyện người khác cũng là một sự quan tâm, nhưng nếu không khéo léo thì rất dễ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Bởi sự thiếu tế nhị, tò mò đem chuyện của người khác làm niềm vui, dù vô tình hay cố ý, đều có thể gây tổn thương cho người liên quan đến câu chuyện ấy.
Chị H.K.N cùng vì một lần thiếu khéo léo trong giao tiếp mà vô tình khiến một người đồng nghiệp phải ngượng đỏ mặt, đến nỗi người đồng nghiệp ấy quyết định nghỉ việc ngay lập tức chỉ vì một hành động không cố ý. “Tôi nghe tin mọi người truyền nhau là cô ấy vô sinh, nên vừa lúc tôi có một vé mời tham dự hội thảo về triệu chứng này liền không nghĩ gì nhiều mà nhường vé mời đó cho cô ấy, cuối cùng cô ấy vô cùng tức giận mà phải bắt tôi nói ra người lan truyền tin để cùng 3 mặt 1 lời, cuối cùng cô ấy quyết định nghỉ việc luôn ở công ty, đến bây giờ nhắc lại tôi vẫn thấy áy náy”, chị H.K.N kể.
Diễn giả Quách Tuấn Khanh (Chuyên gia huấn luyện đào tạo kỹ năng mềm) cho biết, nếu muốn trò chuyện vui vẻ thì chúng ta có rất nhiều câu chuyện vui khác, đừng lấy chuyện người khác và đặc biệt là đừng nêu đích danh ai cả, điều đó rất dễ gây tổn thương. Nếu cần phải kể chuyện về một ai đó, hãy tập lối tư duy phản biện, đó là tìm những bằng chứng cho những gì chúng ta nói.
Thói quen nhiều chuyện chỉ biến mất khi ta biết lắng nghe và chọn lựa những ví dụ tích cực, thay vì chỉ đem câu chuyện của người khác để mua vui. Tôn trọng và lắng nghe sẽ tạo nên môi trường giao tiếp lành mạnh, nơi mà những ý kiến và tâm tư có thể được trao đổi một cách trực tiếp mà không gây ra sự tổn thương. Bằng cách này, chúng ta không chỉ tạo ra sự đồng cảm và kết nối, mà còn nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh, lâu bền với những người xung quanh.
Link tập 55: Đừng trở thành “người nhiều chuyện”:
Hệ lụy từ “khai khống” CV
Với áp lực cạnh tranh trong thị trường lao động ngày một tăng, người lao động khá khó khăn trong việc tìm được một công việc như ý, vì thế, không ít người đã khai khống khi viết CV. Để phù hợp với công việc đang ứng tuyển, họ có vô số các lý do không trung thực để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, tuy nhiên điều này rất dễ gây phản tác dụng.
Thạc sĩ Trần Thị Thu Cúc (Chuyên gia Quản trị Nguồn nhân lực) cho biết, hành vi khai khống thông tin có thể gây ra hậu quả tiềm tàng và rủi ro cho người lao động cũng như danh dự và hình ảnh của tổ chức, nhà tuyển dụng nếu họ tuyển nhầm người. Trung thực và minh bạch trong quá trình ứng tuyển, là cách tốt nhất, để xây dựng một mối quan hệ đáng tin cậy với nhà tuyển dụng và định vị bản thân của mình cho sự nghiệp phát triển của người lao động.
Có thể việc khai khống CV bắt nguồn từ việc không tự tin vào bản thân mình, nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra rất nhiều môi trường thích hợp cho nhiều người lao động, đặc biệt là có xu hướng quan tâm đến kinh nghiệm làm việc hơn là các chứng chỉ, bằng cấp. Hãy cứ trung thực và thể hiện đúng theo năng lực của bản thân, quan trọng là đừng khai khống CV vì nghĩ có thể tăng khả năng trúng tuyển, điều này vừa làm mất thời gian của bản thân, doanh nghiệp, vừa làm chúng ta mất uy tín với chính doanh nghiệp mà bạn yêu thích.
Link tập 56s: Hệ lụy từ “khai khống” CV:
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Hoa Vy