Quyển sách “Chúng ta làm gì với Trái Đất?” (bản gốc A Life on Our Planet: A Life on Our Planet: My Witness Statement and a Vision for the Future) của tác giả David Attenborough phản ánh những thực trạng của Trái Đất do chính con người gây ra, tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều cách để cứu lấy hành tinh xanh này trong tương lai.
Sức ảnh hưởng của tác giả David Attenborough
Tác giả David Attenborough sinh năm 1926, ông là một phát thanh viên và nhà tự nhiên học người Anh. Sự nghiệp của ông được biết đến với việc ông đã dẫn các chương trình về lịch sử tự nhiên trong suốt 60 năm qua. Ông nổi tiếng với những phim về cuộc sống thiên nhiên hoang dã, đặc biệt phải kể đến series Life on Earth – những thước phim tập hợp nhiều nghiên cứu về đời sống các loài trên hành tinh chúng ta.
Ở Anh, tác giả Attenborough được gọi là “national treasure” (bảo vật quốc gia) mặc dù chính bản thân ông không thích được gọi với cái tên này. Năm 2002, ông được vinh danh trong số 100 người Anh vĩ đại nhất trong một cuộc bình chọn rộng rãi. Ông cũng chính là người duy nhất đoạt giải thưởng BAFTA (giải thưởng của Viện hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc) ở các thể loại đen trắng, phim màu, HD và 3D.
Ngoài những thước phim hoang dã nổi tiếng, ông cũng đã viết nhiều sách về giới tự nhiên, trong số đó có quyển “Chúng ta làm gì với Trái Đất?”. Về quyển sách này, tác giả David Attenborough chia sẻ:
“Vào thời điểm viết quyển sách này, tôi đã 93 tuổi. Khi tôi còn trẻ, tôi đã cảm nhận rằng mình thuộc về thế giới hoang dã, rằng tôi đã trải nghiệm mọi thứ ở thế giới tự nhiên hoang sơ – nhưng đó chỉ là một sự ảo tưởng.
Những thảm kịch của thời đại này đã và vẫn đang tiếp tục xảy ra, nhưng hầu như chúng ta không hề chú ý đến nó. Những nơi hoang dã ngày càng mất đi, sự đa dạng sinh học cũng ngày càng bị suy giảm.
Tôi đã nhận thấy sự suy giảm này trong nhiều năm nghiên cứu. Trong quyển sách “Chúng ta làm gì với Trái Đất?”, tôi có viết về những gì mà tôi đã chứng kiến, và về tầm nhìn về tương lai của Trái Đất cũng như câu chuyện về những gì mà tôi cùng những cộng sự của mình đã thực hiện để mang lại những thông điệp này.
Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn còn có thể giúp Trái Đất trở nên tốt đẹp hơn.
Chúng ta có cơ hội để tạo ra một “ngôi nhà” hoàn hảo cho chính mình và khôi phục lại một thế giới tuyệt vời mà ta xứng đáng được thừa hưởng.
Tất cả những gì chúng ta cần là hãy bắt đầu hành động!”
Lời khai của một nhân chứng
Tác giả David Attenborough dường như đã dành cả đời mình để sống với thiên nhiên hoang dã, vì thế những nghiên cứu và tầm nhìn của ông về lĩnh vực này có sức ảnh hưởng rất lớn.
Ông đã viết trong quyển sách “Chúng ta làm gì với Trái Đất?” rằng những nghiên cứu khoa học gần đây nhất đã cho thấy: thế giới sinh vật đang trên đà mất cân bằng và sụp đổ. Quả thực, sự sụp đổ nguồn tài nguyên sinh vật, vốn đã và đang xảy ra, được dự báo sẽ diễn tiến với tốc độ ngày một nhanh hơn.
Và một khi các tổn hại nối tiếp nhau xảy ra, sự suy giảm đa dạng sinh học sẽ gây ra hậu quả với cường độ mạnh hơn, quy mô lớn hơn. Bao lâu nay chúng ta vẫn thụ hưởng miễn phí và phụ thuộc vào hệ sinh thái Trái Đất, nhưng chúng đang dần sụp đổ hoặc biến mất hoàn toàn.
Thảm họa môi trường sắp tới được dự báo có sức hủy diệt tàn khốc vượt xa vụ nổ Chernobyl hoặc bất cứ thảm kịch nào nhân loại từng gánh chịu. Các nhân chứng tương lai không chỉ mất nhà mất cửa do lũ lụt, mưa bão ngút trời hoặc cháy rừng mùa hè; chất lượng sống của họ và các thế hệ kế tiếp còn bị thảm họa cấp làm cho suy giảm vĩnh viễn, không thể phục hồi.
Sau khi sự hủy diệt hệ sinh thái toàn cầu bùng phát và qua đi, Trái Đất sẽ tự thiết lập trạng thái cân bằng sinh thái mới. Lúc này, nếu vẫn may mắn sống sót sau thảm họa, loài người sẽ phải sống trên một Trái Đất nghèo nàn tài nguyên sinh vật vĩnh viễn.
Bảo vệ cho tương lai của nhân loại
Bằng cách nào chúng ta có thể thúc đẩy sự phục hồi của tự nhiên và mang sự ổn định của Trái Đất quay trở lại? Hầu hết những người trăn trở về con đường hướng tới một tương lai đổi khác, hoang dã hơn và ổn định hơn đều nhất trí ở một phương kế: Đó là chặng đường sắp tới phải được soi rọi dưới một triết lý mới, hay nói đúng hơn là quay về với triết lý xưa cũ, triết lý ở thời kỳ đầu thế Holocene, giai đoạn trước khi nông nghiệp ra đời.
Khi ấy dân số loài người trên toàn thế giới chỉ mới vài triệu, chúng ta sống bằng nghề săn bắt, hái lượm và tồn tại bền vững, sinh hoạt cân bằng với tự nhiên. Đây cũng là lựa chọn duy nhất mà tổ tiên chúng ta có tại thời điểm đó.
Khi nông nghiệp xuất hiện, con người có nhiều sự lựa chọn hơn, từ đó mối quan hệ giữa chúng ta và giới tự nhiên bị thay đổi. Chúng ta coi thế giới hoang dã như một thứ để thuần hóa, khuất phục và lạm dụng. Không thể phủ nhận rằng cách tiếp cận cuộc sống mới mẻ này đã mang lại cho con người những thành tựu phi thường. Tuy nhiên, qua nhiều năm, chúng ta dần đánh mất đi sự cân bằng vốn dĩ. Con người vốn là đứa con được mẹ thiên nhiên đỡ đầu, nay lại tự biến mình thành kẻ đối đầu với mẹ thiên nhiên.
Những năm sắp tới đây, chúng ta cần phải đảo ngược quá trình chuyển biến này, và sự tồn tại bền vững lại một lần nữa trở thành lựa chọn duy nhất của con người. Nhưng lúc này dân số thế giới đã lên đến vài tỷ người, chúng ta không thể quay lại lối sống săn bắt hái lượm được nữa, và cũng không ai muốn làm vậy cả. Điều chúng ta cần làm là tìm ra lối sống bền vững mới, một lối sống có thể giúp con người hiện đại sống cân bằng, hòa hợp với thiên nhiên một lần nữa. Chỉ có như vậy, sự suy giảm đa dạng sinh học mà chúng ta gây ra mới có thể nhanh chóng phục hồi trở lại, thế giới mới có thể được tái hoang dã và đạt được sự ổn định như cũ.
Trong quyển sách “Chúng ta làm gì với Trái Đất?”, tác giả David Attenborough đã về về những câu chuyện ông đã trải qua và chứng kiến về thực trạng của Trái Đất, qua đó, ông cũng đưa ra những tầm nhìn của mình cho tương lai, giúp chúng ta sẽ có thể đưa ra quyết định cho lối sống của mình để cứu lấy hành tinh xanh.
Hoa Vy