Lắng nghe hơi thở là cuốn sách của Lưu Đình Long, mang dư vị giáo pháp nhẹ nhàng nhưng chứa đựng những thứ rất đời, rất người, rất thơ làm tiền đề mở ra cảm giác hạnh phúc của một người giác ngộ.
Cuốn sách của sự lắng đọng
Sau các tác phẩm như Như gió an lành, Như mây thong dong, Tâm kinh mình thuyết cho mình, cuốn sách “Lắng nghe hơi thở” như dấu gạch nối cho sự nghiệp sáng tác của tác giả Lưu Đình Long. Vẫn được viết trên lối viết nhất quán trước giờ của mình: “Dù có viết gì thì cũng theo lời nguyện cúng dường Tam bảo, tặng người hữu duyên mà thôi.”, Lắng nghe hơi thở thu hút bạn đọc nhờ vào tính chất đơn giản và dễ hiểu. Mặc dù vậy, mỗi bài học trong tác phẩm này đều luôn nhắm đến khía cạnh thực hành trong cuộc sống hằng ngày, nó dạy mỗi người biết cách yêu thương, buông xả, tìm kiếm hạnh phúc, đối mặt với đau khổ…qua những phần giáo pháp sâu xa của Phật giáo.
Khi mà các giá trị vật chất đang dần lấn áp các giá trị tinh thần thì Lắng nghe hơi thở của tác giả Lưu Đình Long là một quyển sách vô cùng quý giá cho những ai đang muốn tìm lại niềm tin vững chắc vào các giá trị đạo đức.
Sách gồm 2 phần: Lắng nghe chính mình và Hạnh phúc trong Giáo Pháp, giảng giải các vấn đề: thương quý bản thân, và cả thông qua một lời xin lỗi tự mình dành cho mình…Những đoạn nhỏ ấy khiến người đọc phải nghĩ suy và ngẫm nghĩ, để rồi khi gấp trang sách lại, bạn nhận được sự lắng đọng. Với Lắng nghe hơi thở, bạn có thể lật bất cứ trang nào và bắt đầu đọc từ đó. Cứ qua mỗi một trang sách, cuộc sống lại trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Nói về lý do ra đời của tác phẩm, Lưu Đình Long chia sẻ: “Lắng nghe hơi thở đã được đón nhận với sự hoan hỷ của nhiều người, nhất là bạn đọc trẻ tuổi. Có bạn đọc nhắn tin, viết mail chia sẻ rằng, nhờ cuốn sách mà họ buông bỏ được vài “cục đá” trong lòng, thấy nhẹ nhàng hơn”. Có thể nói đây là cuốn sách mà bất cứ tầng lớp trong xã hội nào cũng có thể đọc được.
Cuối cùng, hy vọng rằng khi đọc “Lắng nghe hơi thở”, bạn sẽ thấy rằng cuộc đời rất đẹp và chứa đựng muôn ngàn điều tuyệt vời. Dù cho có những lúc đau khổ và thử thách thì cũng đừng quên rằng ai cũng có những câu chuyện, chỉ cần ta dám đối diện và lắng nghe chính mình để tìm cách tự chữa lành, mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn!
Các đoạn trích hay trong sách “Lắng Nghe Hơi Thở”
Người trí tuệ là người có khả năng nhận ra những sai lầm, những nỗi khổ niềm đau đang có mặt trên thân tâm của mình để trị liệu. Chỉ có như thế mình mới mau hết bệnh và mới sống khỏe, sống vui được.
Chúng ta trốn lánh sự thật về sai lầm, thất bại; trong khi nó là sự thật hiển nhiên tồn tại không thể chối bỏ được. Càng tránh né là chúng ta càng tự dồn mình tới chân tường. Và sự trốn lánh tiêu cực nhất là tìm đến cái chết. Chọn cái chết là biểu hiện của một cái tôi yếu đuối, khổ đau trong không gian chật hẹp, thiếu thốn sự cảm thông, tha thứ. Bởi ngay những người thân thiết còn không cảm thông, không mở lối bình an cho mình quay về nên mình đã không dám sống thật với những chênh vênh. Giải quyết điều này không thể gói trong một câu nói, một lời nhận định được. Nhưng, phương pháp ít khó khăn nhất có thể là mỗi người tìm cho mình một điểm tựa tinh thần – có thể là bạn thân, là tri kỷ, là một lãnh đạo tinh thần, tâm linh… Khi đó, mình có thể quay về nương tựa và giãi bày để vượt qua sóng gió cuộc đời.
Chiếc áo quá khứ dẫu có đẹp đến đâu, thì vẫn chịu quy luật vô thường, mất đi, hư hoại… Sao chúng ta không chấp nhận cởi ra, thay bằng một chiếc áo mới, phù hợp với hiện tại hơn? Sự cởi bỏ đó là bước đầu tiên cho quá trình lớn lên của tâm hồn; nghĩa là dám đối mặt với những điều lớn lao hơn. Bạn không thể mãi mặc chiếc áo trẻ thơ trong một thân thể đã lớn!
Càng lớn, con người càng cần những khoảng lặng cần thiết. Đó là khoảng trời riêng để nuôi dưỡng sự điềm tĩnh, sự vững chãi cho tâm hồn để đối mặt và giải quyết nhiều thứ cần thiết. Sẽ không bao giờ tôi và bạn có thể trưởng thành nếu mãi rong chơi với tinh thần của tuổi 20, không nghĩ tới hậu quả, cứ sống theo thứ cảm xúc bừng bừng.
Hoa Vy