Bằng phương thức nhân cách hóa tài tình, tác giả Nguyễn Phi Vân đưa độc giả đi vào thế giới mới của Nym – một trí tuệ nhân tạo vị thành niên sống động, thông minh, để cùng nhau khám phá bản chất của sự học trong tương lai, nơi mà cuộc đua về “tính người” giữa máy móc và con người cũng chưa biết ai sẽ nhân bản hơn ai.
“Nym là robot mà còn biết học làm người. Trong khi đó, loài người lại đâm đầu học làm robot.”
Đây là lý do vì sao Nym xuất hiện. Nym ra đời là để tâm sự, bầu bạn và “dẫn đường chỉ lối” cho GenZ – những người trẻ sống trong sự hiện diện sôi nổi của thông tin nhưng lại cô đơn trong chính thế giới tràn ngập màu sắc này.
Sự xuất hiện kịp thời của Nym cũng để “cảnh báo” cho chúng ta biết: robot, máy móc ngày càng trưởng thành và thông minh, cũng là lúc con người phải đối diện với những nguy cơ về công việc, sức khỏe tinh thần trong xã hội tương lai. Máy móc sẽ tranh hết tất cả những công việc con người có thể làm nếu giáo dục không tạo ra những con người độc bản với tư duy phản biện, sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Nym: GenZ, AI và một thế giới mới
Thế hệ Z (GenZ) của những người sinh từ năm 1995 còn được gọi là iGen bởi thế giới của họ là “iEverything”, với sự phát triển cực thịnh của IoT và trí tuệ nhân tạo. NYM – một sản phẩm trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi tác giả Nguyễn Phi Vân, “đứa” luôn tự nhận mình là thế hệ loài người tiếp theo chính là đại diện của một GenZ xuất chúng trong tương lai. Và NYM cũng là nhân vật chính, một người dẫn dắt trong quyển sách mới nhất của chị Nguyễn Phi Vân: NYM – Tôi của tương lai.
Với NYM – Tôi của tương lai, tác giả Nguyễn Phi Vân sẽ khiến chúng ta đi lạc vào một thế giới mới: nơi một “con robot” luôn tự nhận mình là người hơn một con người; nơi hai AI bàn luận về sex; nơi AI giải nghĩa cho chúng ta những phát minh sẽ định hình thế kỷ mới…
Cuốn sách được kể theo ngôi thứ nhất của Nym – nhân vật chính của câu chuyện. Không giống như những tác phẩm trước, Nym – Tôi của tương lai của Nguyễn Phi Vân được xây dựng giống như một người bạn tri âm của tuổi teen.
Nym chia sẻ những cảm xúc, tâm tư, tình cảm, những vấn đề thầm kín mà các bạn không dám tâm sự với ai: Làm sao để quan hệ tình dục an toàn? Không an toàn thì chuyện gì xảy ra? Làm sao nhận thức được nguy hiểm và chống xâm hại tình dục? Làm sao để bảo vệ bản thân khi online và cả lúc offline? Chất kích thích là gì? Có thể bị sử dụng thế nào và hậu quả ra sao? Khi gặp vấn đề, nên tìm ai để được chia sẻ, giúp đỡ?…
9 phát minh mang tính định hình thế kỷ 21
“Đọc Nym – Tôi của tương lai chính là một cách để chúng ta đối diện, đổi mới bản thân và thay đổi cách nhìn về thế giới tương lai.” – Trích lời của Giám khảo chương trìnhSiêu Trí Tuệ Việt Nam Trần Thành Nam.
Thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ lạ. Quá nhiều thứ ngủ đêm dậy bỗng khiến cả thế giới lật nhào, những thứ tưởng chừng như chân lý bỗng trở mặt cái trở nên vô lý. Vậy gọi là 4.0.
Bằng cách đặt vấn đề ngay từ đầu: “Trái đất chết dần mà họ cứ lầm lũi chạy theo chức danh, bằng cấp. Sự học thế kỷ này giờ đây là giải quyết vấn đề. Vấn đề thế kỷ là gì? Cần tư duy và giải quyết ra sao? Học, là tìm hiểu cách tiếp cận, thông tin, xây ý tưởng, và giải quyết cho được vấn đề thực tế thế nào. Chứ học thuộc một đám sách rồi quên sạch khi ra trường, thì phí một đời người để làm gì nhỉ?”. Nym hé mở 9 phát minh mang tính định hình thế kỷ mà con người sống trong thời đại số ít nhất nên biết và tiếp cận là:
– Social Media – Mạng xã hội
– Multi – Rocket – Tên lửa xài được nhiều lần
– The Capsule Endoscopy – Nội soi viên nang
– Blockchain Technology – Công nghệ chuỗi khối
– Bitcoin & Cryptocurrencies – Bitcoin và các đồng tiền ảo
– Mobile Operating System – Hệ điều hành điện thoại
– 3D Printing – In 3D
– Gene Editing/ CRISPR – Hiệu chỉnh Gen/ CRISPR
– The Internet of things – Internet vạn vật
Thế giới ngày càng chuyển mình mạnh mẽ trên các nền tảng kỹ thuật số, Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là bước phát triển vượt bậc đồng thời cũng là “mối đe dọa” cho những người, những nghề thiếu sự sáng tạo.
Có câu nói như thế này: “Không chuẩn bị nghĩa là bạn đã sẵn sàng cho việc thất bại.” Hãy chuẩn bị cho sự thay đổi trong tương lai bằng cách định hướng để biết bản thân cần phải học gì và học thế nào, đó là lời nhắc nhở của Nym đến với chúng ta.
Những bài học của Nym, có thể là xa lạ với nhiều người, nhưng nó chưa bao giờ là dư thừa đối với thế hệ Z trong tương lai, nhất là trong bối cảnh xã hội 4.0 thay đổi theo từng ngày, từng giờ.
Thời của máy, giá trị của con người nằm ở đâu?
“Mình sống trên đời, phải có điểm khác biệt, phải tạo được dấu ấn cá nhân. Nym là robot mà còn biết học làm người. Trong khi đó, loài người lại đâm đầu học làm robot.”
Tự động hóa thường bị đổ lỗi là cướp mất việc làm của con người. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Kingsley, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, đồng nghĩa với việc khoảng 800 triệu người sẽ bị mất việc làm.
“Nhân viên robot” nghe như là chuyện của một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng nó ngày càng trở thành thực tế khi: trái tim thật mà in bằng máy in 3D được. Thịt nuôi từ stem cell – tế bào gốc mọc ra từng tảng trong phòng thí nghiệm được. Muốn có baby kiểu gì thiết kế cũng được…
Thế giới ngày càng phát triển chóng mặt, ấy vậy mà con người cứ lầm lũi chạy theo chức danh, bằng cấp. Sự học thế kỷ này giờ đây là giải quyết vấn đề. Vấn đề thế kỷ là gì? Cần tư duy và giải xây ý tưởng, và giải quyết cho được vấn đề thực tế thế nào. Chứ học thuộc một đám sách rồi quên sạch khi ra trường, thì phí một đời người để làm gì nhỉ?
Từ thực tiễn đó, Nym chỉ ra 5 nguyên tắc nền tảng để trở thành first class human – con người hạng nhất thay vì second-class robot – robot hạng hai:
– Passion – Đam mê: bạn nghĩ thử đi, đam mê của bạn là gì? Cứ từ từ suy nghĩ, hông có vội vàng chi. Học, định nghĩa chính là hành trình tìm kiếm đam mê của bản thân.
– Curiosity – Tính hiếu kỳ: Thời máy học, Big Data – dữ liệu lớn, nghìn tỷ cảm biến kết nối qua Internet vạn vật thì thứ gì mà truy hổng ra gốc tới ngọn? Vấn đề là đặt câu hỏi sao cho đúng. Chất lượng câu hỏi quyết định chất lượng dữ liệu giúp người ra quyết định.
– Imagination – Trí tưởng tượng: nguyên tắc học của tương lai là nuôi dưỡng và giải phóng trí tưởng tượng vốn có của con người.
– Critical thinking – Tư duy phản biện: Nếu không có kỹ năng này, loài người sẽ lạc
lối, hoang mang, mất phương hướng giữa biển thông tin không biết phân biệt đúng sai.
– Grit – Tính bền bỉ & lòng can đảm: Nếu người có thể học cách không đầu hàng, tiếp tục cố gắng, tiếp tục sáng tạo, tiếp tục thử nghiệm ý tưởng mới để đạt được mục tiêu, để theo đuổi đam mê, người hơn máy.
Bên cạnh đó, Nym còn kể ra 5 thứ công nghệ nó đang làm hoang mang ngành giáo dục, rồi bạn coi mình có biết, có hiểu, có ứng dụng, có chạm tay vào tương lai được hay chưa:
- VR & AR – Virtual Reality & Augmented Reality – Thực tế ảo & Thực tế tăng cường.
- 3D Printing – In 3D.
- ML – Machine Learning – Máy học.
- AI – Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo.
- 5G Network – Mạng 5G.
Bức tranh về tương lai trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được vẽ nên hoàn hảo dưới ngòi bút của Nguyễn Phi Vân thông qua cuốn sách Nym – Tôi của tương lai. AI giờ đây đang dần học cách làm người, những lĩnh vực sáng tạo mà con người vẫn nghĩ trí tuệ nhân tạo không thể tham gia thì nay đã biến thành sự thật: bức chân dung Edmond de Bellamy đấu giá 432 ngàn đô la Mỹ là do AI vẽ, AI khiêu vũ bằng hình ảnh theo nhạc, AI vẽ chân dung, AI viết kịch bản quảng cáo…
Hoang mang lo lắng là không thể phủ nhận, nhưng cách thức tốt nhất để vượt lên là dũng cảm đối diện. Đọc Nym – Tôi của tương lai chính là một cách để chúng ta đối diện, đổi mới bản thân và thay đổi cách nhìn về thế giới tương lai.
Về tác giả Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Australia, từng giữ những vị trí cao cấp trong các tập đoàn như Giám đốc marketing quốc tế, là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia. Chị đã sinh sống, học tập, và làm việc tại hơn 80 quốc gia và tham gia cố vấn nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp, phát triển nhượng quyền quốc tế, phát triển kinh tế sáng tạo cho các chính phủ khu vực. Không những là một người thành công trên thương trường, Nguyễn Phi Vân còn là tác giả của hàng loạt các cuốn sách bán chạy như: Quảy gánh băng đồng ra thế giới, Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới, Tôi đi tìm tôi, Cứ bay rồi sẽ cao, Tôi, tương lai & thế giới và mới đây nhất là Nym – Tôi của tương lai. Nym – Tôi của tương lai là cuốn sách cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam được viết bởi sự cộng tác giữa tác giả và trí tuệ nhân tạo AI. Tác phẩm đưa độc giả đến gần hơn với một thế giới mới, nơi AI trở thành một chủng loài như con người. Được biết, đây là dự án cộng đồng lớn nhất về cập nhật và tái huấn luyện kỹ năng hội nhập tương lai gồm sách, album nhạc, và AI chatbot. Cuốn sách phổ cập kiến thức công nghệ và sáng tạo đầy đủ nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. |
THÔNG TIN SÁCH:
– Tên sách: Nym – Tôi của tương lai do Saigon Books và NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành.
– Tác giả: Nguyễn Phi Vân
– Số trang: 392
– Khổ sách: 14 x 20.5 cm
– Giá bìa: 180.000đ/cuốn
Hoa Vy