“Đừng đi thang máy một mình!”, tagline trên poster đã gây tò mò không ít. Và khi câu chuyện kết thúc, chắc chắn một điều, khán giả sẽ không bao giờ có thể bước vào thang máy một cách “vô tư” như trước đây nữa!!!
Ngay tại thời điểm nhiều phim bom tấn nước ngoài lẫn Việt Nam phải dời lịch chiếu để tránh dịch, thì bộ phim Thang Máy – The Lift bất ngờ tung teaser trailer kèm lịch phát hành chính thức. Thang Máy sẽ do CGV chính thức phát hành, dự kiến khởi chiếu ngày 6/11/2020.
Song hành cùng sự phát triển của các khu đô thị lớn với các cao ốc hiện đại trên khắp thế giới, thang máy đã trở thành tiện nghi quen thuộc không thể thiếu trong đời sống thị thành của hàng tỉ con người trên trái đất. Vô số các sự kiện trong đời thật xoay quanh chiếc thang máy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim trên thế giới với đa dạng thể loại như hành động hay tình cảm, cả trinh thám hình sự hay kinh dị. Dù vậy, đề tài nỗi sợ hãi bí ẩn trong thang máy chưa từng được đề cập tại Việt Nam từ trước đến nay.
Bộ phim Thang Máy lấy cảm hứng từ một truyền thuyết đương đại của Hàn Quốc với cái tên “The Elevator Game”, kết hợp với những sự kiện có thật đầy bí ẩn, xảy ra trong thang máy trên khắp thế giới. Ngay khi thông tin về bộ phim được công bố trên mạng xã hội, fanpage Thang Máy đã ngay lập tức thu hút hơn 100.000 fan quan tâm theo dõi và tương tác mạnh mẽ tại Việt Nam.
Thang Máy được cầm trịch bởi bộ ba ngoại binh cùng học làm phim ở Mỹ, cùng đem lòng yêu mến đất nước và con người Việt Nam nên đã đến đất nước hình chữ S sinh sống và làm phim.
1. Đạo diễn người Mỹ Peter Mourougaya
“Thang Máy” là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn kiêm biên kịch Peter.
Đạo diễn kiêm biên kịch Peter Mourougaya chào đời tại Sài Gòn, Việt Nam. Bố anh là người Mỹ, mẹ là người Pháp gốc Việt. Gia đình anh rời Việt Nam năm 1975. Anh sống ở Hoa Kỳ và học làm phim tại đây.
Kịch bản Thang Máy được chính anh viết từ 5 năm trước. Đạo diễn chia sẻ: “Thang Máy là bộ phim điện ảnh đầu tiên của tôi. Đây không đơn thuần là một bộ phim kinh dị. Nó còn là một bộ phim gia đình đề cập đến chứng trầm cảm, nỗi sợ hãi và tức giận của thanh thiếu niên mà nhiều người trẻ có thể liên tưởng đến bản thân, nhưng được thực hiện theo hướng giải trí. Có rất nhiều bộ phim kinh dị nổi tiếng của phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung vào nội dung này. Tuy nhiên, tôi đã thêm các yếu tố của văn hóa Việt Nam, khiến nó trở thành một sự pha trộn độc đáo chưa từng thấy trước đây, tạo nên sự khác biệt so với các bộ phim nước ngoài”.
Đạo diễn Peter chỉ đạo diễn xuất cho nữ diễn viên chính Yu Dương.
2. DOP Dominic Pereira cùng những thước phim chạm tới tột cùng cảm xúc
DOP Dominic và đạo diễn Peter trên trường quay.
Dominic Pereira là một tên tuổi đã quá quen thuộc đối với khán giả mê phim Việt trong vai trò DOP (Giám đốc Hình ảnh). Danh sách các bộ phim bom tấn có tên DOP Dominic dài dằng dặc, đa phần là các tác phẩm của đạo diễn Charlie Nguyễn và Victor Vũ, như Dòng Máu Anh Hùng, Để Mai Tính 1 & 2, Chàng Vợ Của Em, Mắt Biếc…
Trong Thang Máy, cách anh tiếp cận ánh sáng và chọn góc quay hoàn toàn khác biệt với các phim đã từng tham gia. Sự biến hóa tài tình đó đã giúp Thang Máy lột tả nỗi sợ hãi, ám ảnh của các nhân vật một cách tinh tế nhất.
Dominic đã tính toán kỹ lưỡng để đan xen ánh sáng và bóng tối trên từng khuôn mặt diễn viên. Anh chú trọng gam màu đỏ đậm, xanh lam và xanh lục để chạm tới tột cùng cảm giác rùng rợn, sợ hãi. Ngoài ra, anh và đạo diễn Peter dành nhiều thời gian để bàn bạc, chọn những góc quay hợp lý, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Chính vì thế, trong nhiều phân cảnh, khung hình của máy quay không nhất thiết đóng khuôn ở vị trí trung tâm mà cố ý lệch ra phần rìa của khung hình để tạo cảm giác bất ổn và ngột ngạt. Ở một vài phân cảnh, ánh sáng từ điện thoại phát huy tốt khả năng xuyên qua màn đêm dày đặc để chiếu sáng khuôn mặt diễn viên, mang đến hiệu quả đầy bất ngờ.
Đặc biệt hơn, do phim Thang Máy phải quay trong buồng thang máy chật hẹp, máy quay phim chính thống với kích thước lớn cồng kềnh khó sử dụng linh hoạt, DOP Dominic đã quyết định thay thế bằng máy quay nhỏ (DSLR và iPhone XS), nhưng vẫn đảm bảo được hiệu ứng hình ảnh một cách hoàn hảo nhất.
3. “Phù thủy hóa trang” Bradley Greenwood
Đạo diễn Peter và nghệ sĩ hóa trang Bradley
Tạo hình nên nhân vật chính của bộ phim chính là Bradley Greenwood – người về từ Hollywood.
Đam mê nghệ thuật hóa trang và có gần 25 năm làm việc trong ngành điện ảnh Hollywood với vai trò nghệ sĩ hóa trang chuyên nghiệp, Bradley Greenwood đã tham gia thực hiện hiệu ứng đặc biệt cho ba phần phim Chúa tể của những chiếc nhẫn – Lord of the Rings, Kong: Skull Island và gần đây nhất là Aquaman (2018).
Chia sẻ về cơ duyên đến Việt Nam, Bradley cho biết, trước đây anh đã từng đến Việt Nam làm phim Kong: Skull Island (2017). Khoảng thời gian tham gia Kong với vai trò phụ trách hóa trang tạo hình cho các nhân vật thổ dân địa phương, anh đã phải lòng với mảnh đất và con người nơi đây. Sau một thời gian dài đắn đo, Bradley quyết định quay trở lại Việt Nam sinh sống.
Mấy năm qua, Bradley vẫn đi về liên tục để duy trì công việc tại Hollywood. Đơn cử như khi tham gia làm việc cho bộ phim bom tấn Aquaman của đạo diễn James Wan, Bradley sang Úc gần 5 tháng để tạo hình các nhân vật sống dưới biển được ghi hình tại đây.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo hình nhân vật, với Bradley là sự đơn giản mà tinh tế.
Khi đạo diễn Peter trao đổi với Bradley về ý tưởng nhân vật Maiden (tạm hiểu là “Ma nữ”) trong phim Thang Máy, chỉ sau cuộc nói chuyện đầu tiên, Bradley đã cảm thấy rất hứng thú với ý tưởng thú vị này. Khi được hỏi yếu tố nào quan trọng nhất trong việc tạo hình, Bradley nhấn mạnh: “Sự đơn giản! Chúng tôi không sa đà vào việc tạo nên những hình tượng quá rườm rà”.
Bradley và đạo diễn Peter muốn tạo nên một nhân vật mới mẻ, có nét đặc trưng văn hóa Việt Nam.
Bradley chia sẻ: “Thang Máy là một kiểu phim kinh dị khác, một thể loại khác và nhân vật phản diện rất có tính biểu tượng (iconic). Một điều đặc biệt khi tôi tham gia vào ê kíp Thang Máy đó là đạo diễn trao cho tôi vai trò sáng tạo và cộng tác với anh ấy, cùng trao đổi để đưa ra ý tưởng tạo hình cho các nhân vật. Điều này khác với vai trò của tôi trong những bộ phim trước đây như Kong: Skull Island hay Aquaman – chủ yếu hóa trang cho nhân vật theo ý tưởng có sẵn. Tôi cùng đạo diễn Peter tạo nên một nhân vật mới mẻ, có nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. Cần phải làm thế nào để khi nhân vật chỉ cần hé lộ một chút gì đó, khán giả đều có thể nhận diện đây là nhân vật Việt Nam”.
Poster chính thức của “Thang Máy”.
Thang Máy chính thức được CGV phát hành, dự kiến khởi chiếu ngày 6/11/2020.
Hoa Vy