Chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục chia sẻ những bài học giúp người dân phòng tránh các đối tượng lừa đảo như cảnh giác với các cuộc gọi liên quan đến dịch vụ điện và những cạm bẫy đến từ dịch vụ truy tìm số tài khoản của các đối tượng lừa đảo.
Cảnh giác với cuộc gọi lừa đảo “bị cắt điện”
Thời gian qua do nắng nóng kéo dài, dẫn đến nguồn cung cấp điện năng trên địa bàn cả nước thiếu hụt, nhiều địa phương phải cắt điện luân phiên. Lợi dụng tình trạng trên, một số đối tượng đã mạo danh ngành điện lực để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi. Nhiều người dân liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo sẽ cắt điện trong vòng 2 giờ, yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn nhằm chiếm đoạt thông tin hay lừa đảo tài sản của người dân.
Ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: “Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng thời cơ để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của khách hàng thông qua những cuộc gọi thông báo ngừng cung cấp điện, hay thu tiền điện, việc này ảnh hưởng không ít đến ngành điện. Trong năm 2022, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 3.100 trường hợp khách hàng gọi đến yêu cầu giải thích. Chúng tôi đã đưa thông tin này đến cơ quan chức năng nhờ họ vào cuộc giải quyết, đồng thời ban hành văn bản và báo cáo đến công an thành phố để có những hình thức phòng bị và ngăn chặn”.
Ông Bùi Trung Kiên nhấn mạnh: “Tổng đài của công ty ngành điện đầu số luôn có mã định danh là EVN HCMC. Chúng tôi còn hỗ trợ và chăm sóc khách hàng bằng tổng đài thông qua số điện thoại 1900 545454. Ngoài điện lực HCM thì các tổng công ty khác cũng có đầu số riêng của từng công ty để chăm sóc khách hàng. Người dân có thể tham khảo để liên hệ đúng theo từng địa bàn”.
Khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ yêu cầu nộp tiền điện, khoản phí liên quan đến dịch vụ điện hay thông tin bị cắt điện không rõ nguyên nhân, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của mình, không thanh toán tiền điện cho người lạ, hoặc thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản khác để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Link tập 9: Cảnh giác với cuộc gọi lừa đảo “bị cắt điện”.
Cạm bẫy từ dịch vụ truy tìm số tài khoản lừa đảo
Hình thức giao dịch thanh toán bằng thẻ ngân hàng rất được ưa chuộng hiện nay, chính điều này cũng khiến cho các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản cũng xuất hiện theo. Và khi trở thành nạn nhân, những người bị hại luôn có tâm lý mong muốn sớm tìm lại được tài sản. Chính vì thế không ít người đã tìm đến dịch vụ truy tìm số tài khoản lừa đảo, và từ đây một lần nữa họ lại trở thành nạn nhân.
Chị T.T.Y ( Long An) ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi vô tình xem được trên mạng dịch vụ giúp truy tìm số tài khoản lừa đảo, vì tò mò và nghe được lời giới thiệu nên đã nhắn tin tìm hiểu. Bởi vì những thông tin được cung cấp là thông tin cá nhân bảo mật nên đối phương đã yêu cầu tôi chuyển cho họ 1 triệu. Tôi đã làm theo, sau khi nhận được tiền thì họ biến mất tăm”.
Thạc sĩ Lê Tấn Phước – Chuyên gia An ninh mạng bày tỏ quan điểm: “Các đối tượng lừa đảo yêu cầu chúng ta chuyển tiền cho họ hầu hết đều là các tài khoản không chính chủ. Các tài khoản đó có thể do người khác đứng tên, hoặc sử dụng căn cước công dân lạc mất chủ để chỉnh sửa thay đổi hình ảnh”.
Luật sư Bùi Trọng Hiển – Đoàn Luật sư TP. HCM chia sẻ: “Dịch vụ truy tìm số tài khoản lừa đảo, cả người nhờ và người thực hiện hành vi điều đã vi phạm pháp luật. Những hành vi truy tìm thông tin cá nhân của người khác khi không xác định được đó có phải là đối tượng lừa đảo hay không, đã vi phạm vào Hành vi thu thập thông tin cá nhân của người khác tại Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, giao dịch điện tử. Hành vi này bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng.. Trong trường hợp hành vi thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nghiêm trọng và có dấu hiệu hình sự, sẽ bị xử lý theo Điều 159 Bộ Luật Hình sự về tội Xâm phạm bí mật hoặc An toàn thư tín, điện thoại điện tín của người khác. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 3 năm tù”.
Để tránh bị lừa, người dân không nên tin vào các dịch vụ không rõ nguồn gốc, nhất là trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, mỗi người nên bảo vệ thông tin cá nhân của mình để không trở thành mục tiêu cá nhân tấn công của các đối tượng xấu.
Tập 10: Cạm bẫy từ dịch vụ truy tìm số tài khoản lừa đảo:
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.
Hoa Vy