Theo số liệu thống kê đến thời điểm này dịch COVID-19 đã làm 4-5 triệu lao động tại Việt Nam mất việc làm, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trong đó trẻ em chính là đối tượng bị ảnh hưởng lớn.
Chính vì vậy mà chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống của đài truyền hình Vĩnh Long số tháng 7 đã dành đa số các nội dung phát sóng để đề cập đến những vấn đề liên quan đến trẻ em. Với những nội dung vô cùng bổ ích dành cho các bậc phụ huynh như: Học cách dạy con qua mạng, Dạy trẻ tự kỷ tại nhà, Lợi và hại khi đăng tìm trẻ lạc… Trong số đó thì “Những lưu ý khi để trẻ ở nhà một mình” cùng “Sự cần thiết của giáo dục giới tính ở trẻ em” được khán giả quan tâm nhiều.
Những lưu ý khi để trẻ ở nhà một mình
Tháng 7 và tháng 8 là thời điểm học sinh được nghỉ hè. Nhưng năm nay lại là năm kinh tế bị ảnh hưởng sau dịch, tình hình dịch bệnh phức tạp dù đã được nước ta kiểm soát rất tốt trong thời gian qua, đó cũng là lý do mà nhiều em phải ở nhà một mình trong khi cha mẹ đi làm. Điều này cũng khiến cho nhiều phụ huynh hết sức đau đầu và lo lắng. Bởi trẻ nhỏ rất hiếu động, nghịch ngợm và tò mò khám phá xung quanh nên rất dễ xảy ra nhiều tai nạn không mong muốn.
Trong chương trình, các phụ huynh đều cho biết không an tâm việc để trẻ nhỏ ở nhà một mình vì trẻ nhỏ chưa có nhiều ý thức bảo vệ mình, tai nạn xảy ra không biết cách xử lý. Bác sỹ Trương Hữu Khanh – Bệnh viên Nhi Đồng 1 khuyên rằng: Nếu trẻ dưới 5 tuổi thì không nên để trẻ ở nhà một mình. Lập kế hoạch rõ ràng để phân công người chăm sóc rõ ràng.
Nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng phải để trẻ ở nhà thì trẻ từ 10 tuổi trở nên có khả năng ở nhà một mình. Chương trình có đưa ra một số lời khuyên cho các vị phụ huynh như:
+ Lập một danh sách các số điện thoại cần liên lạc để ở nơi trẻ dễ nhìn thấy để trẻ có thể gọi hỗ trợ.
+ Để sẵn thức ăn cho trẻ đảm bảo trẻ không cần tự nấu nướng để ăn.
+ Giao nhiệm vụ để trẻ bận rộn như: học bài, đọc sách…
+ Cất kỹ các vật dụng gây chấn thương, ổ điện, hoá chất độc hại.
+ Dạy cho trẻ cách sơ cứu.
+ Che chắn các lan can, cửa sổ, cửa… ở những chung cư.
+ Thường xuyên mở điện thoại và liên lạc với trẻ.
Tốt nhất không nên để trẻ ở nhà một mình quá lâu và trở thành thói quen. Vì suy cho cùng thì trẻ sẽ được chăm sóc tốt nhất, an toàn khi có sự xuất hiện của cha mẹ, người thân.
Những lưu ý trong giáo dục giới tính ở trẻ em
Giáo dục giới tính ở trẻ em luôn là khía cạnh nhận được nhiều sự quan tâm từ phía xã hội. Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình cũng là nền tảng vững chắc để giảng giải cho con hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính và tình dục ngay từ khi còn nhỏ. Con số thống kê cho thấy các bậc phu huynh quá bảo thủ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em và né tránh các cuộc nói chuyện chia sẻ với con mình về vấn đề này.Tâm lý đó khiến phần lớn các em từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía cha mẹ. Các em không biết nên giải thích thế nào về chuyện đáng sợ đã xảy ra và tin vào lời hăm dọa “hãy giữ kín” của những kẻ lạm dụng. Bạn không thể luôn bảo vệ trẻ 24/24h nhưng bạn có thể làm rất nhiều để giảm nguy cơ bị xâm hại cho trẻ. Đơn giản là hãy thẳng thắn chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình cho các em từ trước.
Điều quan trọng là bố mẹ phải trang bị sẵn sàng những kiến thức tối thiểu về vấn đề này để giải đáp tất cả những câu hỏi hay thắc mắc của con. Nếu con chỉ vào một bộ phận nhạy cảm nào đó trên cơ thể, cha mẹ cần cho con biết đó là cơ quan gì, có chức năng thế nào, hoặc có thể lấy ví dụ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi con đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, cha mẹ cần giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không nên tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn, đùa cợt với thắc mắc của con. Giáo dục giới tính cho trẻ cần cho trẻ biết được đâu là bộ phận mang tính riêng tư, kín đáo của mỗi người, không được phô bày ra ngoài và không được để người khác động đến. Tuy nhiên, cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ cần thể hiện sự tế nhị và cởi mở đúng mực, tránh làm cho con cảm thấy hoang mang và nhìn nhận sai lầm về giới tính.
Nuôi dạy con đã khó, giáo dục về giới tính cho con còn khó gấp ngàn lần bởi nó đòi hỏi cha mẹ cần phải có những hiểu biết khoa học về giới tính, sự tinh tế trong việc giáo dục con…đặc biệt việc giáo dục giới tính cần được thực hiện ngay từ lứa tuổi mầm non, tránh những giải thích không “rõ ràng” cho trẻ. Giáo dục giới tính cho con từ sớm sẽ khiến chúng hiểu đúng về sinh lý học cũng như các hành vi, thái độ, giá trị liên quan tới gia đình, môi trường văn hóa xã hội chúng đang sống, giúp chúng vững vàng trong cuộc sống và tránh xa cạm bẫy của xã hội. Khi giáo dục trẻ, cha mẹ cần thẳng thắn, cởi mở, lắng nghe những tâm sự của con…
Đón xem các số tiếp theo của Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích cho cuộc sống quanh ta.
Hoa Vy