Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đó là phải chuẩn bị lực lượng lao động để có thể đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết quốc tế.
Mặc dù, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định nhưng trước xu thế hội nhập cũng đã đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Đó là lý do mà Chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống số tháng 11 lúc 19h50 trên THVL đã dành hai số phát sóng ngày 17/11 và 20/11 để nói về thực tế này.
Đào tạo nghề chất lượng cao – cơ hội và thách thức
Sự phát triển của các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi đáng kể các quy trình công nghệ trong sản xuất, thậm chí đã làm mất đi vai trò của một số ngành nghề và mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Điều này dẫn đến yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của từng vị trí việc làm trong mỗi quy trình cũng khác đi. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển, các cơ sở đào tạo phải không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, trang bị cơ sở vật chất…
Trong số phát sóng tối ngày 17/11 đã có đề cập về cơ hội dành cho các cơ sở đào tạo (CSĐT) là rất lớn và thách thức cũng không hề nhỏ. Theo các đại diện của một số trường đào tạocho biết nhiều lĩnh vực ngành nghề mới xuất sẽ tạo ra thêm vị trí việc làm mới hoặc thêm nhiều kỹ năng của một vị trí việc làm. Đây là cơ hội tốt để CSĐT có thể tổ chức đào tạo, cung ứng lực lượng lao động cho thị trường.
Sẽ có nhiều quy trình sản xuất mới, nhiều thiết bị được huy động vào quá trình sản xuất và tất nhiên phải có kỹ thuật viên để vận hành hoặc giám sát các quy trình này. Nhiều công cụ hỗ trợ mới ra đời có thể hỗ trợ trong công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo thì các CSĐT phải có đội ngũ có khả năng làm chủ các công cụ này để khai thác đúng và khai thác có hiệu quả.
Một số giải pháp trọng tâm
Kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo là phương thức vừa để tăng cường chất lượng đào tạo đại học, đồng thời cũng là giải pháp trước mắt tự nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên hiện tại. Bằng cách giảm số giờ lên lớp, tăng tỷ lệ thời gian nghiên cứu theo một tỷ trọng hợp lý, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và kiến thức của giảng viên sẽ được cải thiện. Theo ý tưởng này, ngoài việc xây dựng các đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nên có các cơ chế để các đại học Việt Nam phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, trong đó nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, số lượng công trình khoa học công bố hằng năm,… cần được quy định cụ thể trong chức trách giảng viên.
Đừng đánh mất cơ hội chỉ vì thiếu tự tin
Một thực trạng khác cũng có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động hiện nay chính là sự thiếu tự tin trong một số bộ phận giới trẻ. Số phát sóng của Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng trên THVL vào ngày 20/11 sẽ đề cập kỹ hơn về vấn đề này. Cụ thể là nhiều sinh viên từ quê mới lên thành phố, thường tự ti, sợ bị xem thường nên không dám bắt chuyện, không dám kết nối cũng như xây dựng mối quan hệ. Từ đó đánh mất nhiều cơ hội trong học tập lẫn cuộc sống.
Chuyên gia trong chương trình đề cập rằng: Chúng ta không thể sống, làm việc một mình mà cần có sự kết nối và đừng đánh mất cơ hội vì thiếu tự tin. Thời đại 4.0 đòi hỏi bạn trẻ phải có bản lĩnh, khả năng, chính vì vậy người trẻ muốn kết nối tốt cần phải trau dồi cho mình kỹ năng thiết lập mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp và làm chủ bản thân. Phải loại bỏ tư tưởng nhà quê trong suy nghĩ, tư tưởng này là bức tường lớn cản trở quá trình kết nối. Thích nghi với môi trường mới, các bạn cần tham gia các khóa học về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập mối quan hệ,… thông qua các lớp này để trau dồi thêm các kỹ năng sống cần có và quan trọng hơn là tự tin hơn trong cuộc sống
Đón xem các số tiếp theo của Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích cho cuộc sống quanh ta.
Hoa Vy