Chương trình Câu Chuyện Cuộc sống trong tháng 3 đã dành nhiều thời lượng của chương trình để nói về những vấn đề xoay quanh việc phụ huynh làm gì để giáo dục con trẻ sao cho tốt. Các chủ đề liên quan đến mô hình giáo dục nông trại, dạy trẻ tôn trọng người khác, cách tôi luyện nhân cách trẻ… được nhiều khán giả quan tâm.
Hình thành nhân cách cho trẻ từ khi còn rất sớm là nhiệm vụ rất quan trọng của các bậc cha mẹ trẻ. Khoa học tâm lý đã khẳng định rằng khi hết tuổi mầm non, ở đứa trẻ đặt xong nền móng đầu tiên của nhân cách, sự phát triển về mặt đạo đức cho trẻ sau này đều mang rõ dấu ấn của thời ấu thơ. Vì thế, từ lứa tuổi này chúng ta phải chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ, trên cơ sở đó mà từng bước hình thành nhân cách cho trẻ theo phương hướng, yêu cầu mà xã hội mới đặt ra.
Theo chuyên gia trong chương trình cho biết: Giáo dục đạo đức cho trẻ còn thông qua trò chơi, vì vui chơi là hoạt động chủ đạo. Các đặc điểm tâm lý mới, các nét tính cách mới của trẻ được hình thành chủ yếu do hoạt động chủ đạo này. Ví dụ, trong vui chơi nếu con giật đồ chơi của bạn hay anh chị em trong gia đình, cha mẹ có thể giải thích với con: “việc giật đồ chơi của người khác là không được, nếu con thích thì phải mượn bạn, anh chị hay em của mình chứ”. Phụ huynh cũng có thể hỏi trẻ lần sau sẽ làm gì để mượn đồ chơi của bạn. Trong các loại trò chơi, trò chơi phân vai theo chủ đề có vị trí đặc biệt quan trọng. Thông qua chủ đề mà cha mẹ có tác động vào nhiều khía cạnh đạo đức của trẻ.
Ngoài chế độ sinh hoạt một ngày tại trường của con trẻ, các bậc phụ huynh là người thầy đầu tiên giáo dục về nhân cách. Các bậc phụ huynh cũng cần tìm hiểu cách giáo dục ở trường để tìm ra phương pháp hiệu quả. Để dạy các trẻ những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng tính cách như làm việc theo nhóm, lòng vị tha, trung thực, tư cách công dân, tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng. Cha mẹ yêu cầu sự giúp đỡ của trẻ sẽ giúp trẻ thấy mình có ích và quan trọng. Thường xuyên cho trẻ tham gia vào những công việc phù hợp lứa tuổi giúp trẻ phát triển tinh thần trách nhiệm và sự thân thiện với những người xung quanh, để trẻ phụ giúp mình làm những việc vừa sức. Điều này giúp trẻ có ý thức và trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ sẽ cảm thấy mình cũng là thành viên tích cực và có ích trong gia đình.
Chương trình cũng đưa ra nhiều lời khuyên dành cho các gia đình có trẻ nhỏ như: Hãy động viên những cố gắng của trẻ, một đứa trẻ mà những nỗ lực của chúng được khen ngợi, động viên sẽ có tác dụng giúp chúng biết gìn giữ và phát huy hơn nữa để duy trì thành tích. Tuy nhiên, một đứa trẻ mà mọi cố gắng đều nhận được những lời khen ngợi quá đà sẽ không thể phát triển khả năng chịu đựng bất cứ sự thất bại nào hay tự rèn luyện cho mình một kỹ năng gì hoàn thiện.
Ngoài ra các bậc phụ huynh và cô giáo có ảnh hưởng nhiều nhất đối với trẻ, luôn là những tấm gương cho trẻ nhìn vào và học tập. Cha mẹ phải làm gương và để ý hành vi đối với bạn bè và họ hàng là một cách hiệu quả để dạy trẻ biết thế nào là sống tốt với mọi người, hãy làm gương tốt. Trẻ con bắt chước rất nhanh, kể cả thói xấu của người lớn. Các nhà nghiên cứu nghiên cứu khẳng định rằng con trẻ có thể học hỏi tất cả những đặc điểm của một tính cách tốt như quan tâm, tôn trọng, tự điều khiển, chia sẻ, cảm thông, khoan dung, kiên trì, an ủi, công bằng và lương tâm. Có nghĩa là chúng ta có thể dạy những đức tính này cho bọn trẻ và làm như thế sẽ nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp làm tăng sự phát triển đạo đức của con trẻ.
Link chương trình: https://thvl.vn/tong-hop/cau-chuy%e1%bb%87n-cu%e1%bb%99c-s%e1%bb%91ng/toi-luyen-nhan-cach-tre-tu-som/
Chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống luôn dành nhiều số phát sóng để đưa ra nhiều gợi ý hay và tích cực để giúp các phụ huynh có thêm các kiến thức nuôi dạy con em. Đón xem các số tiếp theo của Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1 để có thêm nhiều thông tin bổ ích, cập nhật cho cuộc sống.
Hoa Vy