Trong số 100 bác sĩ qua đời vì nCoV, một số người đã về hưu, được chính phủ huy động trở lại làm việc giúp đất nước đối phó dịch bệnh.
Viện Y tế Italy xác nhận 13.522 nhân viên y tế nước này nhiễm virus, trong đó ít nhất 100 bác sĩ đã chết kể từ khi Covid-19 bùng phát từ giữa tháng 2. Phát ngôn viên Hiệp hội Bác sĩ Italy hôm 9/4 cho biết hầu hết các bác sĩ tử vong đều thuộc miền Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19.
“Mỗi nạn nhân đều để lại vết sẹo sâu trên da thịt và trong trái tim của các bác sĩ “, Filippo Anelli, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Italy, chia sẻ.
“Chúng tôi không thể tiếp tục để các bác sĩ, nhân viên y tế chiến đấu với dịch bệnh mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Đó là cuộc chiến không cân sức”, ông Anelli nói thêm.
Một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc tích cực ở một bệnh viện miền Bắc, Italy. Ảnh: AP.
Italy hiện là vùng dịch chết chóc nhất thế giới với 143.000 ca nhiễm, trong đó 18.000 người tử vong. Theo Viện Y tế Italy, gần 10% số ca nhiễm cả nước là nhân viên y tế.
“Chúng tôi đã chứng kiến mức độ làm việc quá tải của các nhân viên y tế, đặc biệt là những người làm ở phòng chăm sóc tích cực, những người làm nhiệm vụ quản lý hoặc trực tiếp tham gia ứng phó với đại dịch. Họ thường không có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, không có sự hỗ trợ, san sẻ nào đầy đủ về mặt thể chất”, ông Giorgio Cometto, điều phối viên của Bộ phận Nhân lực Y tế tại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
Miền Bắc Italy xuất hiện ca nhiễm đầu tiên vào giữa tháng 2, tuy nhiên chỉ hai tuần sau khu vực này chứng khiến sự bùng phát mạnh mẽ của Covid-19. Ngày 9/3, chính quyền Italy ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và đóng băng các hoạt động không cần thiết. Tuy nhiên biện pháp này được cho là quá muộn khi số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng lên. Hôm qua, Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo Italy tiếp tục duy trì phong tỏa và nhấn mạnh người dân phải tuân thủ quy định.
Covid-19 xuất hiện ở 209 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh, trong đó gần 96.000 ca tử vong. Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 468.000 ca nhiễm, tiếp đến là Tây Ban Nha với 153.000 ca. Các quốc gia châu Âu khác như Đức, Pháp đều ghi nhận trên 110.000 ca nhiễm.
Theo Sơn Nam/Ngoisao.net – 10/4/2020