Tính tới 2h sáng nay 11-4, thống kê của hãng tin AFP cho thấy ít nhất 100.859 người trong số hơn 1,6 triệu người bệnh tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chết vì COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Bản tin cập nhật lúc 12h ngày 11-4
Mỹ: Quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận 2.000 ca tử vong một ngày
Hãng tin AFP dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins cho biết ngày 10-4 (giờ Mỹ), Mỹ đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong một ngày.
Cụ thể, đến 20h30 ngày 10-4 (giờ địa phương), Mỹ ghi nhận thêm 2.108 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 18.586, đứng thứ hai thế giới, sau Ý (18.849 ca tử vong).
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở Mỹ đã lên tới nửa triệu, cụ thể là 502.876 ca nhiễm (theo cập nhật của trang Worldometers lúc 8h45 sáng 11-4 theo giờ Việt Nam).
Thái Lan
ngày 11-4 cho biết đã ghi nhận thêm 45 ca nhiễm và 2 ca tử vong do
COVID-19. Hai ca tử vong này đều là người Thái Lan. Hiện Thái Lan ghi
nhận tổng cộng 2.518 ca nhiễm và 35 ca tử vong.
Ngày 11-4, New Zealand cho hay nước này vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19. Dù con số này thấp so với các nước khác, đây là mức tăng ca tử vong lớn nhất trong một ngày ở xứ sở kiwi tới nay. Tổng số ca tử vong ở nước này hiện là 4, còn tổng số ca nhiễm là 1.035. New Zealand hiện trong tình trạng phong tỏa toàn quốc.
Trong khi đó, Úc ghi nhận 6.238 ca nhiễm và 56 ca tử vong đến nay.
Ông Trump lệnh chính phủ Mỹ hỗ trợ Ý chống dịch
Trong ngày 10-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức trong chính quyền Mỹ giúp Ý chống dịch COVID-19 bằng cách cung các vật tư y tế, hỗ trợ nhân đạo…
Trong một bản ghi nhớ gửi tới vài quan chức nội các, ông Trump ra lệnh tiến hành một loạt biện pháp hỗ trợ Ý, gồm việc yêu cầu các quân nhân Mỹ ở Ý nằm trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ, thiết lập các bệnh viện dã chiến và vận chuyển vật tư. Ý hiện ghi nhận 18.849 ca tử vong do COVID-19, cao nhất thế giới.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hồ Bắc không có thêm ca nhiễm mới
Theo hãng tin Reuters, hết ngày 10-4, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 46 ca, tăng 4 ca so với ngày trước đó. Số người bệnh chết cũng tăng thêm 3 ca, nhiều hơn 2 ca so với ngày 9-4.
Như vậy tính đến hết ngày 10-4, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 81.953 người bệnh, trong đó có 3.339 người chết.
Đáng chú ý tỉnh Hồ Bắc không có thêm ca nhiễm mới nào trong ngày qua, mặc dù vẫn có 3 người bệnh tử vong.
Châu Âu hơn 70.200 ca tử vong
Châu Âu vẫn đang là châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với hơn 70.200 người chết. Trong đó, Ý là nước có số người chết cao nhất: 18.849 người trong số 147.577 ca nhiễm (nước này phát hiện ca bệnh đầu tiên cuối tháng 2).
Theo sau là Tây Ban Nha với 15.843 người chết trong số 157.022 người nhiễm; Pháp với 13.197 người chết trong số 124.869 người nhiễm và Anh với 8.958 người chết trong số 73.758 ca nhiễm.
Về số ca bệnh, Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới với 486.490 người nhiễm, trong đó 18.002 người đã chết.
Theo AFP, kể từ khi dịch bắt đầu bùng lên tại Trung Quốc trong tháng 12 năm ngoái tới nay đã có hơn 1.664.110 nhiễm bệnh tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, ít nhất 335.900 người đã bình phục.
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Paris ngày 9-4-2020 đang điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 – Ảnh: AFP
Tăng gấp đôi chỉ sau 1 tuần
Theo đài NPR, chỉ hơn 1 tuần trước, số người bệnh COVID-19 chết trên toàn thế giới khoảng 50.000 người.
Ngay lúc đó, con số ấy vẫn đã gây sốc khi nhìn vào thực tế chỉ mới đầu năm nay, gần như chưa mấy ai biết về virus mầm bệnh mới. Và giờ thì tổng số người chết đã tăng gấp đôi.
Ngày 9-4 vừa qua, theo Tổ chức Y tế Thế giới là dấu mốc tròn 100 ngày kể từ khi tổ chức này nhận được thông báo về những ca nhiễm corona chủng mới đầu tiên tại Trung Quốc.
Tính tới chiều 10-4, theo dữ liệu tổng hợp của đại học Johns Hopkins, tổng số người chết toàn cầu vì COVID-19 đã tăng hơn 100.000 ca, trong khi tổng số ca nhiễm hơn 1,6 triệu.
Các nước Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp và Anh đang là những nước bị ảnh hưởng dịch nặng nhất. Tổng số ca bệnh tại những nước này chiếm gần một nửa tổng số ca toàn cầu.
Tới nay, gần như mọi quốc gia trên thế giới đều ghi nhận ít nhất một ca nhiễm corona trong nước.
*Giám đốc CDC Mỹ nói nước này đang tiến tới đỉnh dịch
Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ cho biết nước Mỹ đang tiến gần tới giai đoạn đỉnh dịch. Phát biểu trên đài CNN, ông Robert Redfield cho rằng chính nhờ các biện pháp giãn cách xã hội đã giúp giảm bớt tỉ lệ người chết vì bệnh trong ước tính.
Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia tuần này ước tính số người chết vì dịch COVID-19 có thể khoảng 60.000 người. Trước đó, lực lượng chuyên trách chống dịch của chính phủ Mỹ cảnh báo con số này có thể rơi vào tầm từ 100.000- 240.000 người.
Các quân nhân làm việc tại bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm quần vợt quốc gia USTA Billie Jean King ở quận Queens, thành phố New York, Mỹ ngày 10-4-2020 – Ảnh: REUTERS
*Ông Trump nói mở cửa lại nền kinh tế sẽ là “quyết định lớn nhất trong đời”
Theo báo Usa Today, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams ngày 10-4 cho biết “hầu hết cả nước” sẽ không thể mở cửa lại bình thường các hoạt động trước 1-5, bất kể những đề xuất từ một số quan chức Nhà Trắng cho rằng tháng tới là thời điểm xem xét lại những quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Ông Jerome Adams khẳng định cho tới ngày 1-5 sẽ chỉ có một số nơi có thể mở cửa lại các hoạt động, song hầu hết các khu vực trong nước vẫn sẽ chưa thể làm vậy. Theo ông Jerome Adams, cần phải mở lại kinh tế Mỹ dần dần từng chút và ở từng nơi một.
Trong cuộc họp báo ngày 10-4, Tổng thống Trump nói việc quyết định khi nào mở cửa lại nền kinh tế Mỹ sẽ là quyết định khó khăn nhất ông sẽ phải đưa ra.
“Tôi sẽ phải đưa ra quyết định và tôi chỉ hy vọng đó sẽ là quyết định đúng. Nhưng tôi dám chắc là đó sẽ là quyết định lớn nhất tôi phải đưa ra cho tới nay”, ông Trump nói.
Đứng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, ông Trump mong muốn sớm có những quyết sách tạo đà vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Song ông cũng đối mặt với những cảnh báo lo ngại việc mở cửa lại nền kinh tế quá sớm sẽ khiến dịch bệnh dây dưa, không thể chặn đứng.
*Thổ Nhĩ Kỳ cấm người dân rời nhà trong 48 giờ
Theo hãng tin AFP, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lệnh cho mọi cư dân phải ở nhà trong 48 giờ, kể từ nửa đêm 10-4, trên khắp 31 thành phố nước này để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định này có hiệu lực cho tới nửa đêm 12-4 tại 31 thành phố, trong đó có trung tâm kinh tế Istanbul và thủ đô Ankara.
Gần như ngay lập tức sau thông báo này, hàng ngàn người dân ở Istanbul và Ankara đã đổ xô tới các chợ và tiệm bánh còn mở cửa để mua đồ tích trữ. Đường phố đông nghẹt người với những hàng dài người xếp hàng bên ngoài các tiệm bách hóa, ngân hàng.
*Du thuyền Úc với hơn 100 người nhiễm corona cập cảng Montevideo
Du thuyền Greg Mortimer của Úc tới cảng Montevideo, Uruguay ngày 10-4-2020 – Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, một du thuyền của Úc bị kẹt ngoài khơi bờ biển Uruguay trong suốt 2 tuần qua với hơn 100 người nhiễm virus corona đã cập cảng Montevideo ngày 10-4.
Sau thỏa thuận giữa các chính phủ Uruguay và Úc, khoảng 110 hành khách sẽ được sơ tán khỏi du thuyền Greg Mortimer và được đưa tới sân bay quốc tế của Montevideo. Tại đó họ sẽ được máy bay đưa về Melbourne.
*Số người chết ở Brazil vượt qua 1.000
Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất tại Mỹ La tinh, trong ngày 10-4 đã ghi nhận tổng số người chết vượt mốc 1.000 ca.
Theo hãng tin AFP, tính tới ngày 10-4, tổng số ca bệnh COVID-19 của Brazil là 19.638 ca, trong đó có 1.056 người chết.
Mặc dù so với nhiều nước đây vẫn là mức thấp, song các chuyên gia y tế lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn. Giới chuyên gia dự đoán dịch bệnh COVID-19 tại Brazil sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 4.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo D. KIM THOA – BẢO ANH/tuoitre.vn – 11/4/2020