Đó là nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức chiều tối ngày 16/3.
Tại cuộc họp trực tuyến với tất cả quận huyện, Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 TP.HCM nhận định với giai đoạn mới có ca lây nhiễm trong cộng đồng, TP.HCM đã chủ động kiểm soát tốt công tác điều tra y tế, khoanh vùng cách ly. Tuy nhiên thành phố không thể chủ quan và cần phải quyết liệt triển khai các giải pháp trong giai đoạn này.
Trong tháng 3 sẽ có thêm 10.000 bộ xét nghiệm
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trước tình hình dịch bệnh đang phức tạp, số ca mắc và tử vong đều đang gia tăng tại các nước trên thế giới thì tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, ngành y tế vẫn đang nỗ lực hết sức để khống chế số ca nhiễm. Tính đến thời điểm này, tại TP.HCM đã có 8 trường hợp mắc, trong đó 3 ca đã được chữa khỏi, 5 ca bệnh mới xuất hiện gần đây đều là những ca xâm nhập. Đến thời điểm hiện tại TP chưa phát hiện ca nào lây nhiễm từ 5 ca này, bên cạnh đó cũng chưa xuất hiện tình trạng virus lây lan cho nhân viên y tế, đây là một điều rất đáng mừng, là nỗ lực của cả ngành y tế.
Cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: HMC
Ông Bỉnh nhấn mạnh, hiện nay, công dân Việt Nam trở về từ các nước châu Âu và Mỹ rất lớn nên công tác kiểm dịch y tế cửa khẩu rất vất vả, Sở Y tế đang đề nghị để tránh ùn tắc cửa khẩu, TP cho phép lấy tờ khai y tế và mẫu xét nghiệm của những khách này tại địa điểm cách ly.
Không những vậy, để sẵn sàng các giải pháp trong tình hình mới với nguy cơ lây nhiễm rất cao từ các nước châu Âu, trong thời gian tới ngành y tế TP sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tại các cửa khẩu, yêu cầu khai báo y tế đối với cả khách quốc tế và khách nội địa, đồng thời đặc biệt chú ý các chuyến bay nối chuyến đi qua vùng dịch. Bên cạnh đó, vận động các gia đình có người thân trở về từ các quốc gia khác tự cách ly tại gia đình, hạn chế tiếp xúc trong 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Hiện TP đã sẵn sàng 3.000 bộ xét nghiệm, trong tháng 3 có thêm 10.000 bộ, tháng 4 có thêm 20.000 bộ và trong tháng 5, 6 sẽ chuẩn bị 20.000 bộ xét nghiệm nữa để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh lan nhanh.
“Chúng ta cố gắng xét nghiệm, phân loại toàn bộ hành khách nhập cảnh vào TP.HCM từ vùng dịch. Công đoạn này giúp ngăn ngừa triệt để việc lây lan trong cộng đồng”, ông Bỉnh nói và cho biết thành phố cũng chuẩn bị nguồn kinh phí để vận hành 10 phòng áp lực âm tại bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi và 10 phòng áp lực âm tại huyện Cần Giờ.
TP.HCM không để số người nhiễm vượt quá 100
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, TP đã kiểm soát tốt tình hình với sự chỉ đạo, hưởng ứng và trách nhiệm các quận huyện, các sở ngành và người dân. Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng TP phải nhìn rộng ra xung quanh để thấy những bài học, trong đó có bài học về đeo khẩu trang.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM. Ảnh: HMC
Như các nước Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha có nền khoa học, hệ thống y tế phát triển nhưng khi có virus xuất hiện thì họ không coi đeo khẩu trang là nhu cầu và không triển khai tìm cách ly những người nguy cơ cho nên khi có dịch xảy ra thì cấp độ tăng rất lớn. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự quyết liệt nên đã kiểm soát tốt, tốc độ lây lan chậm.
“Nếu không lường trước, không ngăn ngừa, không có khẩu trang, cách ly phát hiện sớm thì tốc độ tăng vượt khả năng của hệ thống y tế tiếp nhận và chữa trị bệnh nhân. Đây là bài học chúng ta phải nhìn thẳng. TP nếu làm tốt việc đeo khẩu trang, gắn với yêu cầu dùng nước rửa tay , phát hiện cách ly sớm thì sẽ giữ được trật tự”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Nhân cũng chia sẻ, thành phố đã chuẩn bị các khu cách ly cho 3.000 người, sẽ tăng cơ sở cho hơn 20.000 người. Bác sĩ chuyên khoa nhiễm có 400 người, đang tập huấn cho khoa khác để tăng nhân lực có thể điều trị cho 1.000-1.400 người bệnh; tăng từ 600 giường bệnh lên 1.600 giường – tương ứng với 16.000 người bị nhiễm; thêm 1.200 máy thở…
“Mục tiêu phấn đấu của thành phố là phát hiện, cách ly kịp thời, không để số người nhiễm vượt quá 100. Đây không phải là việc dễ dàng nhưng nếu làm quyết liệt chúng ta sẽ kiềm chế được dịch, giữ được ổn định lâu”, ông Nhân nói.
Ảnh: HMC
TP.HCM khẳng định, thành phố không thiếu khẩu trang vì đã giao cho một đơn vị phụ trách cung cấp mặt hàng này. “Ban chỉ đạo của thường vụ cũng đã chỉ đạo một địa chỉ đi lo khẩu trang cho thành phố là Saigon Coop rồi. Nên chúng tôi khẳng định là thành phố đủ khẩu trang. Hiện nay đã hợp đồng với 16 công ty cả nước để sản xuất khẩu trang và có kế hoạch nếu tháng 3 này đi học thì trong tháng đầu tiên tổng cộng chúng ta dự trữ ít nhất và cung cấp được 50 triệu khẩu trang cho thành phố”, Bí thư Nhân khẳng định.
Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM cũng kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn khi dịch bệnh đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội: trẻ em phải nghỉ học, người kinh doanh thất thu, doanh nghiệp mất thu nhập, người lao động bị cắt lương…
“Mỗi người hãy chấp nhận thu nhập ít đi và chia sẻ với doanh nghiệp, chứ đòi hỏi cuộc sống và thu nhập của tôi phải như cũ thì không thể được”, ông Nhân nói và đề nghị người dân, các đơn vị phải điều chỉnh nếp sống để vừa phòng chống dịch, vừa duy trì kinh tế – xã hội không xuống quá thấp.
Ngoài ra, cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chống dịch bệnh phải theo quy luật sinh học, không duy ý trí, nhưng không hoảng sợ. Nhưng để vận dụng quy luật sinh học đến từng người, từng gia đình thì yếu tố xã hội, truyền thống văn hóa rất quan trọng. Đây là thời cơ áp dựng văn hóa chia sẻ. Mỗi người dân vừa là người làm công tác truyền thông đeo khẩu trang, rửa tay, ít tiếp xúc và hạn chế khoảng và giám sát xung quanh và chung tay chia sẻ…
Theo Lam Ngọc (Khampha.vn)